Vũ khí bí mật của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ

15/04/2018 08:04 GMT+7

Bài viết này là nhận định của nhà báo Michael Schuman đăng tải trên mục Bloomberg View.

Các thị trường đang lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đến nay, họ tập trung chủ yếu vào các khoản thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp lên một loạt sản phẩm xuất xứ từ Đại lục, và Trung Quốc đe dọa đáp trả. Song các nhà đầu tư có thể nhìn thấy một nguy cơ còn lớn hơn trong tranh chấp thương mại này.
Đúng là thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ để lại tác động, song có một giới hạn về sức ảnh hưởng mà thuế quan có thể gây ra. Nỗi lo dai dẳng về việc Trung Quốc sẽ bán số trái phiếu Mỹ khổng lồ mà họ nắm giữ cũng có thể không xảy ra.
Song rủi ro dành cho các doanh nghiệp Mỹ đã hoạt động ở Trung Quốc có thể đáng kể. Bắc Kinh có thể tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp Mỹ, từ Apple đến General Motors hay Startbucks. Dù các hãng này có thương hiệu nổi tiếng, có nhiều hoạt động kinh doanh lớn và kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng Trung Quốc, họ vẫn có thể đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nếu Bắc Kinh thực sự muốn mạnh tay với Tổng thống Trump.
Trong một số trường hợp, chẳng hạn như ngành ô tô, các hãng này bị buộc phải sản xuất tại Trung quốc theo chính sách thương mại của nước này. Ở các ngành khác, bản chất kinh doanh khiến doanh nghiệp phải gần gũi với người tiêu dùng Đại lục. Dù vì lý do gì, thuế quan cũng sẽ có tác động rất nhỏ đến hoạt động của các hãng này.
General Motors là một ví dụ tốt. Hãng nhập khẩu chỉ 150 chiếc Camaro từ Mỹ vào Trung Quốc trong năm nay, phần doanh số còn lại mà hãng này cùng đối tác của họ bán được, tức hơn 986.000 chiếc xe trong quý 1/2018, được sản xuất trên đất Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực sự muốn gây áp lực cho doanh nghiệp như General Motors, họ phải thực sự sử dụng các biện pháp khác ngoài rào cản nhập khẩu.
Song đó là điều gì? Ở Trung Quốc, giới quản lý nắm quyền kiểm soát lớn đến sự sinh tồn của các công ty. Mớ hỗn độn của giấy phép, giấy yêu cầu gửi đến các doanh nghiệp sẽ là biện pháp làm chậm sự phát triển của các đối thủ Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Biện pháp khác mạnh mẽ hơn và có tiềm năng gây hại lớn hơn là việc tẩy chay sản phẩm Mỹ. Bắc Kinh từng sử dụng hiệu quả nhiều chiến dịch như vậy trong quá khứ, đôi khi nó để lại hậu quả lớn.
Đơn cử cách nay sáu năm, giữa lúc căng thẳng Trung Quốc - Nhật Bản dâng cao trong vấn đề đảo tranh chấp, Trung Quốc dùng phương tiện truyền thông để khiến nhiều người biểu tình, tấn công ô tô và doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh số Toyota, Honda và Nissan theo đó giảm.
Gần đây hơn, Trung Quốc cố gắng gây áp lực để Hàn Quốc dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa. Nước này chặn các ngôi sao K-pop đến Đại lục, còn nhiều doanh nghiệp thì tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc. Không ít công ty xứ Hàn bị tàn phá bởi áp lực trên. Năm 2015, Hyundai Motor là thương hiệu ô tô du lịch phổ biến thứ ba Trung Quốc với 5% thị phần, song năm ngoái, thị phần Hyundai hạ xuống còn 3,1%, đứng thứ 11 trong danh sách phổ biến.
Bạn có thể cho rằng việc gây áp lực cho doanh nghiệp Mỹ có thể có phản ứng phụ vì xét cho cùng, các công ty Mỹ tuyển dụng rất nhiều nhân viên. General Motors bao gồm cả liên doanh Trung Quốc tuyển 58.000 người ở Đại lục. Song Bắc Kinh trước đây từng cho thấy họ sẵn sàng chịu tổn thương để đạt mục tiêu chiến lược. Giữa chiến dịch chống hàng Hàn Quốc, Kia Motors Corp. phải giảm giờ làm và lương bổng nhân viên Trung Quốc vì doanh số hạ.
Trong tranh chấp hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa dùng biện pháp tẩy chay nói trên, có thể là vì họ muốn thể hiện động thái của mình chỉ tương ứng với những gì nhận được từ phía Mỹ. Song vì sự mất cân bằng trong thương mại Mỹ - Trung, Bắc Kinh bị giới hạn nếu chỉ ứng phó với biện pháp của ông Trump bằng thuế đáp trả. Nếu chính quyền Trung Quốc chọn cách nhắm đến công ty Mỹ, họ có thể kích động các cuộc biểu tình và tẩy chay.
Tác động sẽ đáng kể, và nên là nỗi lo thực sự với các doanh nghiệp Mỹ. Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra với General Motors nếu doanh số ở Trung Quốc, vốn chiếm 40% tổng doanh số hãng, giảm không khác gì doanh số Toyota trong năm 2012. Hãy tưởng tượng nếu Starbucks mở một cửa hàng mới ở Trung Quốc mỗi 15 tiếng, song lại bị người biểu tình kéo đến gây rối.
Hy vọng mọi thứ sẽ không tệ đến mức đó. Song Tổng thống Trump cùng các cố vấn của ông rõ ràng là ngây thơ khi bước vào trận đấu với đất nước có khả năng tập hợp sự ủng hộ từ công chúng. Đây là điểm mà nhà đầu tư nên thực sự lo nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.