Gây lãng phí, kẹt xe
UBND Q.1 cũng như các quận khác trên địa bàn TP.HCM đang ra sức lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Chủ trương này là hoàn toàn đúng nhưng lại nảy sinh một nghịch lý nan giải là các bãi đậu xe ngày càng “co lại” trong khi nhu cầu tăng cao. Để giải quyết, UBND TP.HCM đã cấp phép cho 25 tuyến đường khu trung tâm được đỗ dưới lòng đường có thu phí (khoảng hơn 1.000 chỗ đậu xe) và 22 tuyến đường không cấm đỗ xe. Qua ghi nhận thực tế, nhiều tuyến đường được phép đậu ô tô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Thi Sách, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Cư Trinh (Q.1), Lê Hồng Phong (Q.10), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3)... luôn trong tình trạng kín chỗ.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, cho biết tính đến ngày 15.8, TP.HCM đang quản lý trên 8,12 triệu phương tiện giao thông cơ giới, gồm 663.086 ô tô và gần 7,5 triệu xe gắn máy, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm 2016. Đó là chưa kể hằng ngày có trên 1 triệu mô tô, xe gắn máy 2 bánh và hàng chục nghìn ô tô mang biển số của các tỉnh, thành khác lưu thông vào TP. Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, trung bình mỗi ngày TP.HCM có 850 mô tô, xe gắn máy và 180 ô tô đăng ký mới.
Còn theo thông tin từ ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT TP.HCM, riêng xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống, TP.HCM đã có trên 24.000 xe trong đó chủ yếu là xe Grab và Uber. Với lượng xe khủng này, tình trạng ô tô, đặc biệt là taxi phải chạy lòng vòng khắp nơi, góp phần gây ách tắc giao thông TP.
Ngay như khi được quy hoạch phố đi bộ, vấn đề đau đầu nhất với cả đường Nguyễn Huệ và Bùi Viện cũng là chỗ đậu xe. Đến nay, tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn khi 2 tuyến phố thu hút rất nhiều người từ khắp các quận, huyện đến vào cuối tuần khi cấm xe. Chị H., nhà ở Q.Thủ Đức than thở, mỗi lần tới phố đi bộ Nguyễn Huệ chị phải chạy tới tận bãi đỗ xe trên đường Trần Hưng Đạo, cách hơn 1 km mới còn chỗ gửi. Tương tự với phố đi bộ Bùi Viện, dù mới chỉ trong thời gian thử nghiệm nhưng các bãi giữ xe bên cạnh Sân khấu Sen Hồng (đường Phạm Ngũ Lão) hay ở tầng hầm khu chợ dưới lòng đất Sense Market đã luôn trong tình trạng quá tải.
Bãi ngầm, nổi đều treo
Đáng nói là trong khi nhu cầu bức thiết như vậy thì tình trạng các bãi gửi xe tại TP.HCM lại hết sức ì ạch. Hiện ở TP.HCM có 3 loại hình bãi đậu xe gồm bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ công cộng, bãi đậu xe cao tầng lắp ghép theo dạng tạm thời và các dự án bãi đậu xe sử dụng khuôn viên đất tại một số bệnh viện nhưng cả 3 đều giậm chân tại chỗ. Với các dự án bãi đậu xe nổi cao tầng theo kiểu tạm thời tại khu đất thuộc các công viên, từ năm 2016, một số nhà đầu tư đã có đề xuất, đến đầu năm 2017 UBND TP đồng ý chủ trương và giao Sở GTVT chủ trì lấy ý kiến tham mưu từ các sở ngành. Mãi đến cách nay hơn 2 tuần, Sở có báo cáo UBND TP để xin chủ trương về vị trí, quy mô và hình thức đầu tư thế nhưng, đến ngày 4.9, UBND TP vẫn chưa có trả lời.
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ Phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) cho biết vị trí các dự án bãi xe nổi là do nhà đầu tư đề xuất nhưng qua làm việc, các sở ngành lại có ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Theo đó, các vị trí đề xuất không thực hiện theo đúng quy hoạch nên các chỉ tiêu chưa có; nhiều ý kiến lo ngại không đảm bảo mỹ quan đô thị... Một số vị trí được đề xuất làm bãi xe nổi tạm thời như: góc ngoài công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sau lưng công viên 23 Tháng 9...
Về tiến độ 4 dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm, theo kế hoạch từ đầu năm 2017 do nhà đầu tư công bố thì dự kiến cuối năm 2017 sẽ khởi công 2 dự án gồm bãi đậu xe ngầm khu vực Sân khấu Trống Đồng và khu vực công viên Lê Văn Tám. Nhưng các dự án này còn gặp vướng mắc về giấy phép xây dựng và duyệt thiết kế bản vẽ thi công nên nhà đầu tư hiện vẫn trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục.
Riêng với 9 vị trí là khuôn viên các bệnh viện dự kiến đầu tư bãi đậu ô tô, theo đại diện Sở GTVT, quyền quyết định và tiến độ phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị bệnh viện và nhà đầu tư liên kết. Sở GTVT chỉ là cơ quan thẩm định về chuyên ngành.
Như vậy có thể thấy các bãi đậu mang tính "cấp cứu" cho tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe của TP.HCM đều đứng bánh và tình trạng thiếu chỗ, xe chạy lòng vòng sẽ vẫn còn tiếp diễn không biết đến bao giờ chấm dứt.
Bình luận (0)