Trưởng nhóm nghiên cứu trên, Fritz Benedict, thuộc trường Đại học Texas (Mỹ), cùng các đồng nghiệp đã lần đầu tiên phát hiện một hành tinh hiếm, có chung quỹ đạo với "đĩa" bụi và khí bên cạnh ngôi sao của nó. Hành tinh trên, có tên gọi là Epsilon Eridani b, được phát hiện vào năm 2000 với quỹ đạo gần với ngôi sao Epsilon Eridani. Epsilon Eridani b thuộc chòm sao Eridanus và cách Trái đất 10,5 năm ánh sáng. Quỹ đạo của hành tinh này nghiêng 30 độ so với Trái đất, cùng góc với "đĩa" bụi và khí xung quanh ngôi sao của nó.
Kết quả nghiên cứu mới này đã gây ra sự chú ý một cách đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên giới khoa học quan sát được hành tinh và "đĩa" bụi, khí trong quỹ đạo của cùng một ngôi sao, qua đó đã chứng minh được học thuyết về sự hình thành nên các hành tinh.
Theo các nhà khoa học, những hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta có sự liên kết chung, và nghiên cứu mới đã cho thấy chúng đã được hình thành trong cùng thời điểm từ "đĩa" bụi và khí của Mặt trời. Hiện Mặt Trời là một ngôi sao ở "độ tuổi trung niên" khoảng 4,5 tỷ năm và đĩa bụi của nó đã tan đi từ lâu. Tuy nhiên, "Mặt Trời" Epsilon Eridani vẫn còn "trẻ", chỉ khoảng 800 triệu năm tuổi, do đó nó vẫn còn lớp "đĩa" bụi và khí bay xung quanh quỹ đạo của nó.
Những hình ảnh thu được từ kính Hubble cũng giúp các nhà nghiên cứu xác định được khối lượng thực sự của hành tinh trên, bằng khoảng 1,5 lần khối lượng sao Mộc, lớn hơn khá nhiều so với kết quả dự đoán trước đó.
Theo TTXVN
Bình luận (0)