Nhân loại lần đầu tiên nhìn thấy cận cảnh sao Thiên Vương khi tàu du hành Voyager 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) bay ngang hành tinh này vào năm 1986.
Thông qua camera của phi thuyền Mỹ, sao Thiên Vương hiện lên trong hình dạng một thế giới màu xanh dương.
Tuy nhiên, kính James Webb, vốn quan sát vũ trụ thông qua ánh sáng hồng ngoại vô hình trước mắt người, đã ghi được mọi khía cạnh luôn được sao Thiên Vương thành công giấu kín trước những kính viễn vọng khác.
Hay nói cách khác, kính James Webb giúp các nhà thiên văn học địa quan sát được những đặc điểm chưa từng biết về hành tinh thứ bảy của hệ mặt trời, theo Đài CNN hôm 21.12.
Việc thu thập thông tin về sao Thiên Vương đã được ưu tiên thực hiện sau khi Mỹ vào năm 2022 quyết định sẽ khởi động sứ mệnh NASA nghiên cứu dành riêng cho hành tinh này.
Những chi tiết chưa từng có
Theo hình ảnh mới nhất về sao Thiên Vương được NASA công bố hôm 20.12, những vòng bên ngoài và bên trong của hành tinh lâu nay vẫn mờ nhạt đã được hiển thị rõ ràng trong ảnh của kính James Webb, bao gồm vòng sát hành tinh nhất có tên Zeta.
Chín trong số 27 mặt trăng đã biết đến của sao Thiên Vương cũng xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ màu xanh, bao gồm những mặt trăng nhỏ hơn nằm bên trong các vòng của hành tinh.
Nhóm mặt trăng này được đặt theo tên của các nhân vật trong những tác phẩm của đại văn hào người Anh Shakespear, bao gồm Rosalind, Puck, Belinda, Desdemona, Cressida, Bianca, Portia, Juliet và Perdita.
Một trong những điểm sáng nhất của hình ảnh là vùng cực bắc trắng xóa, hiện hướng về phía mặt trời.
Sao Thiên Vương thu hút nhiều sự chú ý vì nó là một thế giới đặc biệt, nghiêng trên trục 98 độ, với một năm của hành tinh bằng 84 năm của trái đất. Và một nửa của sao Thiên Vương luôn chìm trong mùa đông tối tăm kéo dài suốt 21 năm trái đất.
Thông qua hình ảnh mới, các nhà thiên văn cũng quan sát được những cơn bão xuất hiện gần và bên dưới vùng cực của hành tinh.
Bình luận (0)