Mô phỏng hành tinh TOI 700 e, và ở khoảng cách xa là hành tinh TOI 700 d |
NASA |
Hành tinh trong phát hiện của TESS được đặt tên TOI 700 e, cách trái đất khoảng 100 năm ánh sáng. Đây là hành tinh thứ tư được tìm thấy xung quanh sao lùn nhỏ tên TOI 700. Toàn bộ 4 hành tinh này đều được nhận dạng nhờ vào sứ mệnh TESS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo báo cáo chuẩn bị đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, TOI 700 e nằm trong khu vực có thể cho phép nước dạng lỏng tồn tại trên bề mặt hành tinh, đồng nghĩa nó có thể dung dưỡng sự sống.
TOI 700 e mất khoảng 28 ngày để hoàn tất chu kỳ quanh sao trung tâm. Hành tinh này cũng có thể bị khóa chặt một mặt về hướng sao TOI 700, tương tự trường hợp mặt trăng và trái đất.
Vào năm 2020, các chuyên gia đã phát hiện hành tinh cùng hệ là TOI 700 d, cũng nằm trong khu vực có thể cho phép sự sống xuất hiện trên bề mặt hành tinh.
“(TOI 700) là một trong số ít ỏi vài hệ sao mang theo các hành tinh cỡ nhỏ, có khả năng có sự sống mà chúng ta từng được biết đến”, Đài CNN dẫn lời tác giả báo cáo Emily Gilbert, nghiên cứu sinh của Phòng Thí nghiệm Động lực học NASA ở Pasadena (bang California).
NASA công bố hình ảnh thẳm sâu nhất từng ghi nhận được của vũ trụ do kính viễn vọng James Webb chụp |
Bên cạnh đó, kính viễn vọng James Webb cũng lần đầu tiên phát hiện một hành tinh ngoài trái đất. Được đặt tên LHS 475 b, hành tinh có kích thước xấp xỉ địa cầu, và cách chúng ta khoảng 41 năm ánh sáng, thuộc phạm vi chòm sao Nam Cực.
Dữ liệu trước đó do TESS thu thập được cho thấy nhiều khả năng có một hành tinh hiện diện ở vị trí của LHS 475 b. Sau khi kính James Webb được phóng, đội ngũ chuyên gia do nhà thiên văn học Kevin Stevenson của Đại học Johns Hopkins (Laurel, Maryland) dẫn đầu đã dựa vào James Webb để chính thức xác nhận sự tồn tại của hành tinh này.
Bình luận (0)