Theo nhiều tài liệu, kinh viết trên lá buông ở An Giang có từ rất lâu. Đầu tiên, trong điều kiện in ấn xưa kia còn khó khăn, vị sãi cả chùa Xvay Ton (H.Tri Tôn) khởi xướng chép lại kinh Phật phục vụ thuyết giảng và lưu truyền cho đời sau.
Hiện người duy nhất ở An Giang nắm giữ kỹ thuật viết chữ trên lá buông là Hòa thượng Chau Ty (82 tuổi, trụ trì chùa Soài So, xã Núi Tô, H.Tri Tôn), là truyền nhân đời thứ 9 của sãi cả chùa Xvay Ton. Hòa thượng Chau Ty được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 và danh hiệu Nghệ nhân nhân dân năm 2019.
Kỳ công chuẩn bị lá buông
Theo Hòa thượng Chau Ty, năm 24 tuổi, ông được cụ Chau Riêng đến chùa Soài So dạy cách viết kinh trên lá để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Nhờ cần cù, chăm chỉ, một thời gian ngắn ông đã nắm rành kỹ thuật viết kinh trên lá rất đặc biệt này.
Nguồn nguyên liệu để viết kinh là lá cây buông (đồng bào Khmer gọi là treng), tựa như cây thốt nốt nhưng lá có nhiều lớp như ván ép, dài và dày hơn. Trước đây, cây buông được tìm thấy ở núi Tô, núi Dài, núi Cấm…
Việc chuẩn bị lá buông rất kỳ công. Nếu lá già thì rắn chắc, khỏi mọt ăn, nhưng khó viết chữ; còn lá non, mềm, dễ viết thì dễ bị mọt ăn. Lá chuẩn phải viết được 5 hàng chữ, độ rộng khoảng 5 cm, dài 60 cm. Lá sau khi thu hoạch đem phơi nắng cho săn, rồi phơi sương để dẻo. Cứ thế, lặp đi lặp lại từ 5 - 7 lần mới viết chữ được.
Bút dùng viết khắc chữ lên lá buông gọi là "đéc-cha", hình tròn, thân làm bằng gỗ, đặc ruột và trơn bóng. Đầu bút có gắn mẫu thép nhọn như lưỡi kim để khắc chữ xuống thân lá. Mực để tạo ra chữ gọi là tứk-khmau, có màu đen hoặc nâu, làm từ nguyên liệu tự nhiên có sẵn xung quanh chùa Khmer. Mực phải đảm bảo được độ đậm, khi quét trên lá buông nổi lên màu chữ óng ánh, không bị phai nhòe qua thời gian. Nguyên liệu dùng chế tác mực phải sạch và không bị ô uế bởi môi trường và con người. Theo quan niệm của người Khmer, bút và mực cũng có linh hồn nên khi viết kinh làm nghi thức xin thì mới bắt đầu khai bút.
Quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo đặc biệt
Viết chữ trên lá buông là một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo đặc biệt, người viết phải có ý chí kiên nhẫn. Để đánh hàng trên lá, đầu tiên dùng một vật dụng bằng gỗ, căng nhiều dây như dây đàn, gọi là thước. Sau đó, dùng mực chà lên thước rồi áp xuống lá buông, khẽ búng nhẹ để mực dính vào lá mà không văng ra xung quanh hoặc bị vón cục. Khi búng xong, trên lá buông xuất hiện những hàng kẻ thẳng tắp.
Người khắc chữ ngồi tựa tư thế ngồi thiền, tay trái cầm nẹp gỗ và lá buông, tay phải cầm bút chuyên dụng để khắc. Việc khắc chữ trên lá buông đòi hỏi tỉ mỉ, công phu, chỉ cần sơ ý là tấm lá bị hư, phải làm lại. Khi khắc chữ, ngón cái điều khiển đầu bút, phải khắc sao cho luôn đều tay để nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng.
Cái khó nhất trong khắc chữ là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết có cùng một độ sâu. Nguyên tắc khắc chữ là từ trái qua và từ trên xuống, khắc hết dòng này mới sang dòng khác. Mỗi phiến lá buông thường chỉ khắc được tối đa 5 dòng chữ, mỗi dòng từ 25 - 30 chữ. Nói viết chữ, thực ra chẳng khác gì khắc họa.
Khi khắc chữ trên lá buông xong, người thực hiện lấy hỗn hợp mực bôi lên lá đã được khắc lõm. Sau đó, lấy khăn vải lau nhẹ nhằm tránh làm phai màu để thấy chữ hiện rõ lên, rồi lau sạch các chỗ không có văn tự và dùng dầu hỏa thoa một lớp mỏng cho cả hai mặt lá buông nhằm làm cho mặt lá buông sáng bóng hơn và tránh sự xâm hại của côn trùng, mối mọt.
Cách đóng tập kinh lá buông thành một quyển cũng rất công phu. Các lá buông được đâm xuyên một lỗ nhỏ ở vị trí khoảng 1/3 chiều dài của lá và xuyên dây ngang các phiến lá để xếp gọn gàng. Những tờ kinh lá buông được xếp chồng lên nhau và được kẹp bởi hai miếng gỗ ở hai bên. Khi xếp thành tập, các trang viết được đánh số thứ tự để nội dung cho liên tục. Việc kết lá kinh thành quyển và mở ra xem đều theo một quy tắc nhất định, nếu người không biết cách sẽ dễ lật sai, nội dung lẫn lộn.
Trước đây, Hòa thượng Chau Ty đứng lớp dạy viết kinh lá buông cho hơn 10 vị sư sãi, đồng bào Khmer. Thế nhưng, số học trò thành thạo kỹ thuật khắc chữ lên lá buông chỉ rất ít.
Bảo tồn để kinh lá buông được công nhận di sản của UNESCO
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer, văn bản viết trên lá buông phần lớn là chép kinh Phật, văn học, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, thiên văn, y học… Hiện số lượng kinh lá buông còn lưu giữ ít dần theo thời gian.
Thống kê của Sở Nội vụ An Giang cho thấy, tỉnh còn khoảng 170 bộ kinh lá buông với trên 900 quyển, nằm rải rác tại một số ngôi chùa Khmer lớn thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Những bộ kinh này có tuổi đời khoảng trên dưới 120 năm, hầu hết viết bằng chữ Pali và chữ Khmer cổ. Đặc biệt, năm 2006, chùa Xvay Ton (H.Tri Tôn) được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam". Đây là niềm tự hào, niềm vui lớn đối với sư sãi, đồng bào theo Phật giáo Nam tông ở An Giang. Năm 2017, Bộ VH-TT-DL có quyết định công bố tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở H.Tri Tôn và H.Tịnh Biên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
UBND tỉnh An Giang đang thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đến năm 2030 để được UNESCO công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)