Toán: Đề hướng vào phần cơ bản
Theo thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đề thi môn toán khối B và D có khả năng “nhẹ” hơn chút ít so với mọi năm. Điểm lạ trong đề thi môn toán của khối A vừa qua thật ra chỉ thêm phần giải tích tổ hợp, khối B và D có ra phần này cũng không khó hơn được. Đặc biệt, trong đợt 1, đề thi môn toán có nhiều câu cơ bản nhưng TS làm sai sót nhiều, vì vậy trong đợt 2 TS nên chú ý để không phạm vào những sai lầm này nữa. Kiến thức trong phần cơ bản đề thi toán đợt này có khả năng được chú trọng nhiều hơn.
Cùng ý kiến, thầy Phạm Hồng Hải - nguyên giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) khuyên TS nên xem lại đề thi khối A để ôn những vấn đề nhóm tương tự. Dù sao đề thi khối B và D cũng nằm trong chương trình học. Có thể đề sẽ dễ hơn khối A chút ít nhưng cũng khó giải quyết nếu học kiến thức cơ bản không được kỹ.
Chia sẻ chi tiết hơn, thầy Tôn Thất Tứ - giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) cho biết: “Dạng đề thi môn toán đợt 2 có lẽ không khác gì đợt 1 và khối D sẽ “dễ thở” hơn. Nếu có thời gian, TS nên xem lại giải tích tổ hợp phần cơ bản và elip phần nâng cao. Đặc biệt vừa rồi bài hệ phương trình là thách thức với các TS trong đợt 1. Em nào học cơ bản tốt sẽ nhìn được ẩn phụ, giải quyết được ngay. Đây là kinh nghiệm để các em chú trọng xem lại phần cơ bản”.
Thầy Tứ tư vấn: “TS cần có trình tự làm bài tốt để đạt tối thiểu 5 điểm. Đó là phần khảo sát làm trước, tới tích phân, lượng giác, hình giải tích không gian, nếu có số phức làm luôn sau đó mới làm những câu tương đối lạ: hệ phương trình, phương trình - bất phương trình, giá trị lớn nhất - nhỏ nhất, hình không gian tính thể tích…”.
Hóa: Ra đề cùng dạng nhưng khó hơn
Theo cô Nguyễn Anh Thư - Tổ phó tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), đề thi môn hóa khối B thường khó hơn khối A. Cô Trần Thị Thu Thủy - Tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) cho biết: “Đề thi trắc nghiệm rất khó xác định học theo hướng nào vì rải suốt chương trình, tất cả vấn đề đều phải lưu ý học kỹ. Thường những kiến thức thầy cô không đặt trọng tâm cũng phải học. Ví dụ câu phân kali trong đề thi đợt 1 vừa qua, ít ai ngờ đề thi lại ra”. Cô Thủy nhắn nhủ thêm: “Nên lưu ý làm kỹ phần lý thuyết. Kinh nghiệm cho thấy học sinh giỏi lại thường sai câu lý thuyết vì tưởng đơn giản”.
Tiếng Anh: Sẽ khó hơn
Thầy Hà Ngọc Hiển - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) khẳng định: “Đề thi môn tiếng Anh khối D1 chắc chắn sẽ khó hơn khối A1 trong đợt thi vừa rồi, nhưng chắc chỉ tương đương đề khối D1 mọi năm”. Thầy Hiển nhấn mạnh: “TS thường vướng nhiều ở phần bài đọc hiểu. Ở đề khối D1 phần đọc này còn đánh đố hơn, đòi hỏi TS phải hiểu sâu hơn, TS rất dễ bị gài nếu không đọc kỹ”. Tuy nhiên, thầy Hiển khuyên: “TS nên làm phần bài đọc điền từ vào chỗ trống trước sẽ đơn giản hơn, phần này làm nhanh để dành thời gian cho 2 bài còn lại trả lời câu hỏi.
Địa lý: Lưu ý đến thời sự
Cô Châu Thị Nguyệt - cựu giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) lưu ý: “Đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12, TS cần nhấn mạnh thêm những kiến thức gắn với thời sự về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, vấn đề biển Đông… Với những vấn đề này kiến thức vẫn phải bám sát sách giáo khoa, nhưng cần liên hệ nhiều với thực tế để khái quát vấn đề”.
Lịch sử: Kỹ năng liên kết, tổng hợp
PGS - tiến sĩ Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý: “Để đạt điểm cao bài thi môn này, ngoài việc nắm vững các sự kiện, TS cần phải biết liên kết, tổng hợp các khối kiến thức lại với nhau. Bởi lẽ, cách ra đề thi môn này trong những kỳ thi gần đây thường không yêu cầu TS nhớ quá chi tiết sự kiện, thay vào đó phải phân tích, chứng minh để làm rõ sự kiện”.
Đ.Nguyên - H.Ánh
Bình luận (0)