Không phải ào ào, muốn ai quản lý thì được
Sáng 8.6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án luật Công đoàn (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đề nghị quy định cụ thể hơn về công khai tài chính công đoàn trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi.
"Tôi đề nghị nên quy định các cấp công đoàn phải thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và đưa lên trang thông tin điện tử để đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính công đoàn đến các công đoàn viên và các phương tiện thông tin đại chúng", bà Mai nêu.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, khoản 2% kinh phí công đoàn do doanh nghiệp và người sử dụng lao động đóng góp. Mục tiêu là để chi chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức bộ máy, hoạt động của công đoàn vì hiện nay công đoàn không lấy vào ngân sách nhà nước. Thực tiễn hiện nay chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, VN đang duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% này.
"Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội QH (cơ quan thẩm tra dự án luật - PV) là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?", ông Dung nêu.
Bộ trưởng Dung cũng đề nghị cần định kỳ kiểm toán, thanh tra, thậm chí sau này phải báo cáo QH cho định hướng với khoản kinh phí công đoàn. "Là một sắc thuế phải quản lý như sắc thuế, không phải ào ào, muốn ai quản lý thì được", ông Dung nói thêm.
Cũng tham gia ý kiến tại tổ, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang cho biết, liên quan tài chính công đoàn, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo đánh giá tác động rất cụ thể gửi các đại biểu (ĐB). Theo ông, kinh phí công đoàn được để lại dưới công đoàn cơ sở 75% để chăm lo trực tiếp cho công đoàn viên, người lao động. 25% còn lại được phân phối cho 3 cấp công đoàn, gồm cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và cấp T.Ư. "Chỉ 25% thôi", ông Khang nhấn mạnh.
Theo ông Khang, thực tế khi mức 75% không đủ để công đoàn cơ sở chi cho hoạt động thì cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết lại, cấp bổ sung. "Cho nên, chúng tôi tính toán thực tế là kinh phí chi trực tiếp cho người lao động lên tới khoảng gần 84%. Còn lại (hơn 16%) là chi tiêu cho 3 cấp ở trên gồm cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và cấp T.Ư", ông Khang nói.
Về mức thu kinh phí công đoàn 2%, ông Khang tính toán, với mức lương bình quân toàn quốc hiện nay khoảng 8,2 triệu đồng thì tiền lương bình quân của công nhân khoảng 100 triệu đồng/năm. Do đó, mức thu kinh phí công đoàn chỉ khoảng 2 triệu đồng. Theo tỷ lệ phân chia là 75% - 25% thì mỗi người lao động được chi khoảng 1,5 triệu đồng mỗi năm cho các hoạt động thăm hỏi ốm đau, quà tết, sinh nhật và chi thưởng cho các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao tại công đoàn cơ sở. "Bình quân khoảng 1,5 triệu đồng chứ cũng không có nhiều", ông Khang nhấn mạnh.
Mục tiêu phát triển văn hóa "còn mông lung"
Đồng tình với sự cần thiết của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, song thảo luận tại tổ về nội dung này ngày 8.6, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi chương trình ôm đồm quá nhiều mục tiêu cũng như nguồn lực quá lớn.
ĐB Nguyễn Trí Thức (đoàn TP.HCM) đánh giá: "Các mục tiêu rất mông lung. Có vẻ như dán nhiều mục tiêu của các cơ quan vào, rất khó để đạt được trong 10 năm". Ông cũng khuyến nghị thêm cần có mục tiêu quản lý mạng xã hội trong chương trình, bởi hiện nay nhiều mạng xã hội như TikTok, YouTube gần như phủ sóng 100%, ảnh hưởng tới giới trẻ với những nội dung "không thể xàm hơn được nữa". Nếu không quản lý bài bản thì sẽ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ.
Tán thành ý kiến này, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho rằng 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai đều có nội dung về lĩnh vực văn hóa. Do đó, về mục tiêu chương trình cần rà soát kỹ hơn, tránh đưa ra chung chung không cụ thể. "Những số liệu của chương trình rất "cứng" và "kêu". Chúng ta đang tính trên mẫu số chung, nhưng đô thị khác, miền núi khác, không thể lấy mẫu số chung cho một mục tiêu cụ thể", ông Hoàng nêu. Bên cạnh đó, khi thực hiện các chỉ tiêu, cần nghiên cứu tính khả thi, "tránh việc hô hào, tránh đánh trống bỏ dùi, nổ bùm bùm nghe hay nhưng 10 năm sau nhìn lại không đạt được kết quả", ĐB Hoàng nêu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thì cho rằng cách tiếp cận với nguồn lực phát triển chương trình "hơi ngược". Lý do, nguồn lực phát triển văn hóa phải là nguồn lực xã hội, trong đó có ngân sách, chứ không phải lấy ngân sách T.Ư là 70%, ngân sách địa phương khoảng 30%, phát huy nguồn lực ngoài ngân sách rất ít. "Đáng lý nguồn lực xã hội phải là 70%, nguồn lực ngân sách là 30%, trong đó có ngân sách T.Ư và địa phương. Phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển văn hóa, để cho các đơn vị sự nghiệp công, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cả nhà nước và tư nhân tham gia vào, đặc biệt cho công nghiệp văn hóa", ông Mãi nhìn nhận.
Ông Mãi cũng dẫn chứng, TP.HCM đặt ra mục tiêu đề án phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 chiếm 10% GRDP. Hiện tại GRDP của TP.HCM khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, tương ứng 10% của 1,6 triệu tỉ đồng là "rất lớn chứ không phải ít", cần phải có cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp. Ông cũng cho rằng chương trình đặt ra mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa tầm thế giới, tầm khu vực, song phải hết sức chú ý bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Đây mới chính là sức mạnh nội sinh, làm cho VN khác với các dân tộc khác, các nền văn hóa khác.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Đoàn Thị Thanh Mai cho hay, theo tờ trình của Chính phủ, tổng huy động các nguồn lực giai đoạn 2025 - 2030 là 125.250 tỉ đồng, giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng, chủ yếu vốn ngân sách. Nhưng trong bối cảnh hiện nay có 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện thì nhu cầu về vốn giai đoạn 2026 - 2030 rất lớn. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát tổng mức đầu tư gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ; phải đặt ra các thứ tự ưu tiên, tránh chồng lấn gây lãng phí và đảm bảo khả thi.
Bình luận (0)