Sáng 4.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh thành về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp, nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm.
Hội nghị cũng bàn về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, báo cáo việc huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 "cơn gió ngược". Trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài.
Các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn. Nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn. Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi thương mại toàn cầu suy giảm và cạnh tranh gia tăng. Sức ép từ thực tiễn, như vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định mới từ các thị trường lớn về hàng hóa nhập khẩu với đòi hỏi khắt khe hơn.
Dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, 6 tháng đầu năm vẫn cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát của năm 2023. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời. Lãi suất điều hành tiếp tục được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ...
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc, giảm giờ làm. An ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro. Thể chế, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm...
Báo cáo tại hội nghị, Bộ KH-ĐT cho biết, dù còn rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực.
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý 2 cao hơn quý 1, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm; thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 3,6%, 4,5%, 2,6%; 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,2 tỉ USD.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 4.7
Các địa phương động lực tăng trưởng trở lại
Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 2 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn mức tăng của quý 1 (quý 1 tăng 3,7%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký quý 2 đạt gần 8 tỉ USD, tăng gần 50% so với quý 1 (khoảng 5,4 tỉ USD); vốn giải ngân 6 tháng ước đạt trên 10 tỉ USD, tăng khoảng 0,5% so với cùng kỳ, sau khi có mức giảm 0,8% trong 5 tháng đầu năm.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối và số tuyệt đối (hơn 65.000 tỉ đồng, tăng 40%).
Đáng chú ý, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý 2 cao hơn quý 1, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Chẳng hạn, TP.HCM tăng 5,9% (quý 1 chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý 1 tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý 1 tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý 1 tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý 1 giảm 4,5%)...
Dù kết quả đạt được cơ bản là tích cực, song còn rất nhiều khó khăn. GDP quý 2 ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chung 6 tháng chỉ tăng 3,72%.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.
Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó khăn buộc phải điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản nhưng không có lãi.
Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Bình luận (0)