Kinh tế có nhiều điểm sáng

05/09/2020 07:25 GMT+7

Đánh giá về tình hình tháng 8, Chính phủ nhận định có nhiều chuyển biến rất đáng mừng, nhất là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỉ USD.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4.9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông tin những nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ diễn ra trước đó.
Đánh giá về tình hình tháng 8, Chính phủ thống nhất nhận định có nhiều chuyển biến rất đáng mừng, nhất là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỉ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỉ USD - tăng gần 5 lần so với mức 20 tỉ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng không đáng kể, chỉ ở mức 0,07% so với tháng trước, và CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cả năm dưới 4% là khả thi; tỷ giá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó, xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua. Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỉ USD, tổng từ tháng 1 - 8 đạt trên 174 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, và xuất siêu trên 11,9 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay. Phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%.
Đặc biệt, ông Mai Tiến Dũng cũng thông tin, theo bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 4.9 về nội dung cuộc họp, Văn phòng Chính phủ cho hay phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra rủi ro, thách thức từ bên ngoài, lớn nhất hiện nay là dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn; thu hút vốn FDI dù có tiến bộ, đạt được gần 20 tỉ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn... Số việc làm tạo mới giảm 16,5%.

Tổng hợp Covid-19 ngày 4.9: Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhìn nhận trong hoàn cảnh có thách thức, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất và “nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng”. Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nên Bộ Công thương, các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể cho 4 tháng cuối năm. Cần lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Nhiều thất thoát trong các vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Chung

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng như bắt Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, pate Minh Chay, nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đã được báo chí đặt ra với đại diện các bộ, ngành.
Liên quan việc bắt giữ, khởi tố ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết về vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo ông Xô, “trong đó có một số tài liệu vụ Nhật Cường”. Cũng tại vụ án Nhật Cường, ông chủ công ty này là Bùi Quang Huy đã sử dụng pháp nhân Công ty Nhật Cường để buôn khoảng 260.000 sản phẩm, thiết bị với số tiền trên 3.200 tỉ đồng, thu lợi bất chính là 236 tỉ đồng, lập sổ sách để trốn thuế, che giấu 30 tỉ đồng và “ông Chung có một phần trách nhiệm”.

Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt giam và khám nhà?

Trong khi đó, việc số hóa tại Sở KH-ĐT Hà Nội, ông Xô cho biết cơ quan điều tra đã làm rõ thiệt hại do liên quan đến đấu thầu khoảng 19,8 tỉ đồng và ông Chung cũng có trách nhiệm liên đới. Còn tại vụ việc mua chế phẩm xử lý nước, trong lúc TP.Hà Nội đã đàm phán với đối tác của Đức để đặt hàng chế phẩm mà họ sản xuất riêng cho TP, thì TP lại không ký trực tiếp mà lại ký hợp đồng thông qua một công ty khác, gây thất thoát 41 tỉ đồng.
Đối với vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ông Xô cho hay kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS, Công ty CP thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) đã câu kết để nâng khống lên nhiều lần hệ thống thiết bị y tế. “Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỉ đồng, bao gồm cả thuế VAT; tuy nhiên đã bị nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỉ đồng”, ông Xô nói và cho biết: “Điều này khiến chi phí khấu hao cho 1 ca bệnh là 4 triệu thì người bệnh phải trả 23 triệu mỗi ca”. Từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỉ đồng.
Liên quan vụ pate Minh Chay, Bộ Công an đã giao Công an TP.Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc, nếu đủ căn cứ thì khởi tố. Về vụ việc này, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới - doanh nghiệp sản xuất pate Minh Chay. 

Người ăn pate Minh Chay kể lại: "Cứ ăn xong là đau bụng"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.