Kinh tế Đà Nẵng không như mong đợi: Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi

30/12/2018 08:09 GMT+7

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sự nghèo nàn sản phẩm, thiếu các tổ hợp vui chơi giải trí lớn khiến du khách tới Đà Nẵng cảm thấy không có gì mới.

Đến ăn, ngủ rồi về

Đà Nẵng nói riêng cũng như các điểm đến du lịch hàng đầu VN hiện nay đang dần trở thành những "ống máng trượt", khách đến nhiều nhưng không quay lại, không chi tiêu nhiều, chỉ “trượt” qua mà không thẩm thấu vào lòng máng - nền kinh tế của địa phương
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel
Vừa đặt vé cho gia đình 5 người từ TP.HCM ra Đà Nẵng nghỉ Tết dương lịch, chị Hà An (Q.4, TP.HCM) chia sẻ: Đã 3 năm rồi chị mới quay trở lại dù “thành phố đáng sống” này là một trong những điểm đến gia đình chị yêu thích. Theo chị An, nói là ra Đà Nẵng nhưng thực tế trong 4 ngày nghỉ, gia đình chị chỉ ở lại Bà Nà Hill đêm duy nhất, thời gian còn lại cả nhà về nghỉ chơi ở Hội An. “Bà Nà Hill nhà tôi đã đi 2 lần rồi, nếu không phải năm nay có thêm cầu Vàng mới thì chắc cũng không quay lại. Ngày lên Bà Nà, tối về lại ra sông Hàn đi dạo lòng vòng chút rồi về khách sạn ngủ, cũng không có nhiều chỗ chơi nên đi 1, 2 lần là đủ rồi”, chị An nói.
Đó là thực tế báo động tại điểm đến hàng đầu như Đà Nẵng. Trong vài năm trở lại đây, ngoài các dự án lưu trú, Đà Nẵng hầu như không có thêm một dự án vui chơi, giải trí quy mô lớn nào đi vào hoạt động. Một doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này cho biết, không chỉ Đà Nẵng mà hầu hết các điểm đến trên cả nước, ngoài một số tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… chịu bỏ vốn đầu tư các cụm, tổ hợp du lịch đa tiện ích phục vụ du khách, hầu như chưa có thêm những tên tuổi mới tham gia vào lĩnh vực này. Lý do vốn lớn, thu hồi vốn chậm, nhiều rào cản về thủ tục hành chính và không phải địa phương nào cũng có cơ chế cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN).
Tham khảo các tour nội địa tại nhiều công ty du lịch, quanh đi quẩn lại những điểm đến cũ. Khách đến Đà Nẵng chỉ biết lên Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, biển Mỹ Khê, Cù Lao Chàm; đến Huế thì tham quan lăng tẩm, ra Nha Trang có tắm biển, thăm đảo, Viện Hải dương học… Bao nhiêu năm qua, các địa phương vẫn chỉ mong “hút” du khách bằng những danh lam, thắng cảnh có sẵn mà không giới thiệu được điểm vui chơi, giải trí nào hấp dẫn, đủ đẳng cấp để cạnh tranh với Pattaya của Thái Lan hay Universal Studio, Sentosa của Singapore…

Du lịch kiểu “ống máng trượt”

Năm 2017, VN tự hào với con số tăng trưởng kỷ lục, đạt kỳ tích đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 30%. Con số này tiếp tục trên đà tăng trưởng khi hết năm nay, cả nước cán mốc gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo một báo cáo của Tổng cục Du lịch, so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% quay trở lại Singapore thì VN có đến… 80% khách không quay lại lần 2. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Nguyên nhân chính khiến du khách không mấy mặn mà với VN, theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, là sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí. Khách du lịch chỉ quay lại một điểm đến khi có những trải nghiệm khác so với những gì đã trải nghiệm lần trước hoặc có điểm đặc biệt mà những điểm đến khác không có. VN có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn khiến khách phải quay lại. "Sự đơn điệu không chỉ không thu hút được khách đến, kéo khách quay lại mà còn làm giảm chi tiêu của khách khi đến VN, giảm doanh thu toàn ngành du lịch", TS Phạm Trung Lương nói.
Đà Nẵng đang tập trung phát triển quá nhiều về bất động sản du lịch, địa ốc, khách sạn, resort và các khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển. Song đó mới chỉ là hạ tầng khung ban đầu. Theo giám đốc một công ty lữ hành, thành phố này cần các tổ hợp dịch vụ xung quanh để làm phong phú sản phẩm, người dân địa phương mới được hưởng lợi, giảm bớt sự phản ứng của người dân đối với phát triển du lịch.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng bên cạnh các yếu tố thuận lợi về địa lý, cơ sở vật chất, dịch vụ mới là yếu tố quyết định điểm đến có níu chân khách hay không, kéo khách quay lại được hay không. “Đà Nẵng nói riêng cũng như các điểm đến du lịch hàng đầu VN hiện nay đang dần trở thành những "ống máng trượt", khách đến nhiều nhưng không quay lại, không chi tiêu nhiều, chỉ “trượt” qua mà không thẩm thấu vào lòng máng - nền kinh tế của địa phương. Sản phẩm du lịch của hầu hết các địa phương chỉ tập trung vào khung giờ từ 7 giờ sáng - 5 giờ chiều, trong khi các sản phẩm từ 6 giờ tối - 2 giờ sáng mới chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”, ông Kỳ bình luận. Không chỉ riêng Đà Nẵng, ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... tất cả các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đều diễn ra ban ngày và gần như chưa có một khu vui chơi tầm cỡ nào đủ sức níu chân khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.