Mở chợ đêm, làm phố đi bộ, nới giờ chơi khuya… khắp các tỉnh, thành trên cả nước đang đồng loạt triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế đêm với kỳ vọng thắp sáng du lịch, đột phá kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên…
"Ép" khách đi ngủ sớm
"Khách chơi đến 11 giờ (23 giờ) đã phải nghỉ, họ chơi chưa đã. Ở Bạc Liêu buổi tối họ được chơi chút xíu, nhậu chút xíu rồi phải về thì họ sẽ xuống Cà Mau chơi…", giới hạn giờ hoạt động kinh doanh ban đêm và kiểm tra nồng độ cồn của khách tại các quán nhậu là nội dung chính trong bài phát biểu đang "gây bão" dư luận mấy ngày qua của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù nhận về không ít những ý kiến trái chiều nhưng trao đổi với báo chí sau đó, ông Phạm Văn Thiều vẫn khẳng định quan điểm không thay đổi về các giới hạn quy định ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đêm của Bạc Liêu.
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm, phố Tây Bùi Viện có vắng khách Tây?
Theo ông, thời tiết Bạc Liêu hơi nóng, buổi trưa rất ít người đi chơi nên hoạt động về đêm là hợp lý. Du khách đến đây, có khi đến buổi trưa thì họ phải nghỉ ngơi tới chiều tối mới đi chơi, khách ở xa khi đến Bạc Liêu thì đã tối, tắm rửa, thay đồ xong ra chơi chưa kịp ăn no thì hết giờ, các quán đóng cửa hết thì họ biết đi đâu. Trăn trở của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chính là nỗi lòng của rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước khi khám phá các tỉnh, thành của VN.
Đáp chuyến bay tới sân bay Nội Bài khuya 26.4, Leelou Flotta (22 tuổi, người Pháp) lần đầu tiên tới VN theo lời mời của người bạn Việt mới quen sau chuyến du lịch Hàn Quốc hồi tháng 8.2022. Đêm đầu tiên ở thủ đô, Leelou được bạn dẫn tới phố Tạ Hiện. Cô gái trẻ vô cùng hào hứng khi được hòa mình vào không gian sôi động từ chập tối đến nửa đêm ở "ngã tư quốc tế" Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến.
"Khách nước ngoài đã tới VN đông thế này sao? Ngồi kín chỗ luôn. Ở đây thật tuyệt vời! Đợt rồi chúng ta đi Hàn Quốc không có khách quốc tế mấy nhỉ? Đi chợ đêm chủ yếu là người Hàn, không nhiều khách nước ngoài như thế này", Leelou Flotta cảm thán. Đêm thứ hai, sau một ngày đi dạo khắp 36 phố phường, thử nhiều món ăn đường phố ở Hà Nội, nhóm bạn này đã vào chơi ở một trung tâm thương mại rất lớn giữa thủ đô. Nhưng mới hơn 21 giờ, trung tâm thương mại rộng thênh thang, không còn mấy người.
"Người Hà Nội không có thói quen đi ăn muộn như thế này, giờ này là họ ăn xong, về hết rồi. - Vậy chúng ta sẽ đi đâu tiếp? - Bạn muốn thử karaoke không, hay lại ra Tạ Hiện tiếp nhé! Muộn thế này mà muốn vui thì chỉ có Tạ Hiện thôi!" - cuộc hội thoại kết thúc tại điểm đến gần như là chỗ chơi duy nhất của khách quốc tế vào buổi tối khi tới Hà Nội. Mới đêm thứ hai, Leelou Flotta đã không biết đi đâu, ngoài dạo quanh bờ hồ, ăn kem Tràng Tiền rồi về khách sạn khi đồng hồ vừa điểm 23 giờ 30.
Không chỉ khách quốc tế, thiếu chỗ chơi đêm cũng là nỗi ấm ức của rất nhiều tín đồ du lịch Việt. Chị Trâm Anh, kế toán của một công ty nước ngoài tại Hà Nội, kể chị và đồng nghiệp cùng phòng năm nào cũng cố gắng làm một tour ngắn ngày để xả stress. Những điểm đến có biển như Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang... hay Sa Pa, Mộc Châu là lựa chọn hàng đầu.
"Năm ngoái đi Côn Đảo. Tắm biển, ăn nhậu chán chê, cả nhóm đi hát. Nhưng đúng 12 giờ là nhân viên vào đuổi về vì đến giờ đóng cửa. Còn năm rồi đi Sa Pa, trời mưa tầm tã cả ngày, tối không biết làm gì, muốn ra rạp chiếu phim xem mà cũng không có. Muốn tiêu tiền cũng không được. Năm nay bọn này định bay qua Thái hay Singapore cho thoải mái", chị Trâm Anh kể.
Muốn sáng đèn thâu đêm cũng khó
Trong 2 năm qua, hàng loạt TP du lịch đã nỗ lực kích hoạt kinh tế đêm, giữ du khách "không ngủ". Nổi bật là TP.Đà Nẵng đã quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp để vực dậy ngành du lịch với tiền đề là những hoạt động giải trí ban đêm. Các đại nhạc hội đêm, lễ hội biểu diễn âm nhạc nghệ thuật carnival đường phố rầm rộ được tổ chức, cùng với việc đưa vào khai thác bãi biển đêm Mỹ An, phố đi bộ An Thượng, bổ sung ngày phun nước/lửa cho cầu Rồng vào thứ sáu bên cạnh thứ bảy và chủ nhật… Không chịu kém cạnh, TP.HCM cũng tăng tốc với một loạt dự án chợ đêm, phố đi bộ được ra mắt. Mới đây nhất, tỉnh Bến Tre vừa ký ban hành Đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với kinh phí 687 tỉ đồng. Bến Tre dự kiến sẽ hình thành các show diễn, vở diễn ban đêm gắn với "thương hiệu" Bến Tre như phong trào Đồng Khởi; nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức các sự kiện, lễ hội hoặc các sản phẩm đặc trưng (Festival dừa, Festival trái cây, hoa kiểng)… kéo dài thời gian hoạt động kinh tế đêm của người dân địa phương và thu hút khách du lịch.
TP.HCM sắp ra mắt nhiều sản phẩm du lịch về đêm đặc sắc
Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, dòng sản phẩm về đêm sẽ được xây dựng thành sản phẩm đặc trưng, tạo nên sự khác biệt chỉ có ở TP.HCM. Sản phẩm đặc biệt "Huyền bí đêm Sài Gòn" đang được Sở Du lịch rốt ráo triển khai, dự kiến sẽ sớm ra mắt. Cùng với hệ thống dịch vụ, chương trình giải trí hiện có, Sở đang khảo sát các điểm đến và các yếu tố thích hợp để khai thác những sản phẩm chỉ có về đêm hoặc thay đổi lịch trình từ ban ngày sang ban đêm tại một số đường tour để thay đổi cảm xúc, trải nghiệm cho du khách. Các dòng tour có thể đi theo nhiều hướng như kết hợp các điểm văn hóa hoặc hướng các di tích lịch sử. Du khách đi tour xong có thể kết hợp tiếp cùng các loại hình dịch vụ vui chơi, ăn uống, mua sắm, giải trí về đêm, vừa tận dụng tối đa thời gian du lịch, tăng chi tiêu của du khách, vừa nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, hỗ trợ các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Tuy nhiên, có thể thấy mẫu số chung của tất cả đề án phát triển kinh tế đêm của các địa phương đều chỉ dừng lại ở các khu chợ đêm, phố ẩm thực, những sự kiện giải trí mà "cố" lắm cũng chỉ tới hơn 23 giờ là "tắt đèn". Kinh tế đêm được kỳ vọng sẽ thắp sáng du lịch, đột phá kinh tế sau đại dịch nhưng thực tế lại đang ngày càng gặp khó.
Ví dụ như TP.HCM, là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước nhưng phải tới tháng 9.2019, hệ thống vũ trường của TP.HCM mới được áp dụng quy định mới, kéo dài thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng thay vì 0 giờ như trước. Với những người "đam mê" sàn nhảy vũ trường, đặc biệt là các bạn trẻ thì 23 giờ mới bắt đầu là giờ "lên đồ", 2 giờ bắt tàn thì đúng là nhạc chưa kịp lên đã phải kéo nhau về. Mê nhảy còn "sướng" hơn mê hát, mê phim bởi karaoke gần như là loại hình giải trí về đêm phổ biến nhất cũng chỉ được phép hoạt động đến 24 giờ. Mới nhất, sau đợt ra quân triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… trên địa bàn, đã có hơn 300 quán karaoke, vũ trường… ở TP.HCM phải đóng cửa, "kêu cứu". Cả TP giờ chỉ còn khoảng 53 cơ sở karaoke hoạt động. Trong khi đó, các rạp phim thì liên tục bị "dọa" phạt nếu mở sau 0 giờ và ì ạch đề xuất suốt gần 1 năm qua vẫn chưa được thông qua nới khung giờ tới 2 giờ sáng hôm sau.
Giữa năm 2021, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức casino ở những khách sạn từ 5 sao và cho người Việt từ 18 tuổi trở lên đủ năng lực hành vi, có tài chính, tham gia. Đây được xem là chính sách ưu đãi đầu tư du lịch, đặc biệt là khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế và khu vực, kỳ vọng là vũ khí quan trọng để TP.HCM đột phá kinh tế đêm. Song, đã gần 2 năm trôi qua, đề xuất vẫn chỉ dừng lại ở đề xuất.
Khách quốc tế đến VN tăng mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến VN trong tháng 4 đạt 984.100 lượt người, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, mặc dù vẫn đang trong mùa thấp điểm, lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng, ước đạt gần 3,684 triệu lượt người, gấp 19 lần cùng kỳ năm ngoái, vượt cả năm 2022 cộng lại.
Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết động lực tăng trưởng chính đến từ Trung Quốc sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến VN từ 15.3. Tổng cộng, có 112.000 lượt khách Trung Quốc đến VN trong tháng 4, tăng hơn gấp đôi (61,5%) so với tháng 3, đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường.
Những dự án du lịch ở thủ đô cũng cùng chung số phận. Nằm ở vùng ven TP.Hà Nội, TX.Sơn Tây thời gian vừa qua đang nỗ lực sáng tạo rất nhiều sản phẩm khai phá tiềm năng du lịch như quảng bá làng cổ Đường Lâm, tổ chức phố đi bộ, chèo thuyền, đạp vịt quanh bờ hào thành cổ… Cùng với đó là dịch vụ ăn uống, ẩm thực mọc lên như nấm tại khắp các tuyến phố phục vụ người dân và du khách. Thế nhưng, giờ chạy dọc các "thiên đường ẩm thực" ở Sơn Tây, chỉ thấy cảnh chủ quán đìu hiu ngồi trông bàn ghế. Mở quán bò nướng ở khu đô thị HUD
(TX.Sơn Tây) chưa được 1 năm, anh Thanh Sơn đã phải thông báo nốt tháng này đóng quán vì không có khách, không kham nổi tiền mặt bằng. "Giờ kinh tế khó khăn, mọi người cũng hạn chế chi tiêu ăn uống. Lại thêm lực lượng công an siết chặt quản lý theo Nghị định 100 nên chẳng ai còn dám đi ăn nhậu nữa. Hàng quán ế ẩm, chẳng phải riêng nhà tôi mà cả dãy đồ nướng ở đây gần như cũng phải đóng hết. Khu này trước buổi tối đông vui nhộn nhịp tới khuya, giờ mới hơn 8 giờ đã vắng tanh. Sống còn chẳng nổi, nói gì tới làm du lịch", anh Thanh Sơn than.
"Con át chủ bài" của Hà Nội là phố đi bộ Tạ Hiện cũng vừa trải qua đợt kiểm tra về vi phạm trật tự đô thị khi người dân thủ đô than phiền vì tình trạng hàng quán bày bàn ghế tràn xuống vỉa hè, lòng đường; nhạc quán bar - chất liệu chính hút khách quốc tế - thì bị ví "như bom, như mìn". (còn tiếp)
Không quy hoạch đồng bộ, kinh tế đêm khó "sáng"
Đã 30 năm hoạt động trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, đánh giá từ trước đến nay, hầu hết các địa phương chỉ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Sau khi Chính phủ thông qua đề án phát triển kinh tế đêm, gần 3 năm qua, khắp các tỉnh, thành trên cả nước từ nam chí bắc đều rầm rộ hưởng ứng chủ trương, quyết tâm kích hoạt "cỗ máy in tiền" này. Tuy nhiên, quan điểm về kinh tế đêm vẫn rất hời hợt, theo công thức quy hoạch phố đi bộ, bỏ vào đó các hoạt động ăn nhậu. Mặt khác, khái niệm kinh tế đêm vẫn chưa được hiểu thấu đáo nên mọi xử sự đều mâu thuẫn, chồng chéo giữa chủ trương và hành động giữa các ngành, các cấp quản lý.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích: Về mặt sản phẩm, kinh tế đêm là tất cả những hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống từ sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhưng không phải tự phát mà phải được quy hoạch bài bản theo từng khu vực. Đơn cử, ẩm thực là lợi thế rất lớn của VN nhưng làm phố ẩm thực, chợ đêm không phải chỉ cần tập trung các hàng quán, rào đường, tô sơn, kẻ vạch là thành phố ẩm thực, thành chợ đêm. Tới đó không ai cảm nhận được gì, không ai hiểu văn hóa ăn uống của người Việt ra sao. Chỉ thấy người ta nhậu vô tội vạ, thấy hàng quán đổ rác ngay gần quầy ăn, thấy người dân xả rác bừa bãi. Rồi mỗi quận, mỗi huyện, mỗi tỉnh, chỗ nào cũng muốn làm phố ẩm thực, mạnh ai nấy làm, không tạo nên được điểm đến bản sắc. Trong khi đó, muốn làm chợ đêm thì ngay từ đầu phải có quy hoạch, từ quy hoạch đất đai không nằm sát khu dân cư, cho đến hệ thống giao thông, cấp thoát nước, gắn với quy hoạch đô thị; phải đào tạo từ người bán đến người mua; cho phép xây dựng quy chế quản trị an ninh trật tự; phải đảm bảo được vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí là cả chính sách thuế.
Đơn cử như Campuchia, họ quản lý các khu vui chơi, ăn uống rất tốt. Khu vực các nhà hàng được quy hoạch bài bản, khách vào đó vui chơi sẽ trả thuế như bình thường hoặc được giảm thuế. Nếu khách ăn uống bên ngoài khu đó sẽ phải chịu mức thuế cao hơn để bù lại cho chi phí quản lý của nhà nước.
Song song, phải có cơ chế quản lý riêng đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ ngành du lịch. Nếu siết quá chặt, khách hàng không tới ăn uống, vui chơi, không đi nhậu thì kinh tế đêm sẽ mất đi một vế cực kỳ quan trọng. Người dân địa phương không được hưởng lợi, vô hiệu hóa khả năng lan tỏa mà du lịch mang lại cho nền kinh tế.
"Có cảm giác như chúng ta đang thực hiện một cuộc "cách mạng", siết rất nhiều quy định, tác động rất mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, trong đó nặng nề nhất là dịch vụ, du lịch. Cần lưu ý việc hình thành thói quen của người dân, du khách là quá trình sắp xếp, điều chỉnh liên tục, không phải áp chế bằng những công cụ quản lý hành chính khắt khe. Rất nhiều quy định ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đêm đặt ra câu hỏi cho những người làm du lịch: Chúng ta có quy hoạch phát triển du lịch không? Đã thật sự có chiến lược phát triển du lịch chưa?", ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề.
Bình luận (0)