Xuất siêu trở lại
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỉ USD và đã xuất siêu trở lại. Các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm được đáp ứng đầy đủ, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 |
N.Bắc |
Cùng với đó, một số tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động, nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém được báo cáo cấp có thẩm quyền để tìm phương án xử lý. Việc giải ngân cho an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt 29.000 tỉ đồng, vượt kế hoạch 26.000 tỉ đồng đề ra trước đó.
11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt gần 600 tỉ USD và đã xuất siêu trở lại |
Ngọc Dương |
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá, sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía nam. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi bình thường mới. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
Chuẩn bị kỹ cho việc mở cửa trường học trở lại
Chính phủ đánh giá dịch bệnh có thể tiếp tục phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng nên không được chủ quan, cũng không hốt hoảng trong phòng chống dịch.
Thủ tướng đặc biệt nhắc lại nhiệm vụ tiêm vắc xin là rất quan trọng, phải có kế hoạch để giữa tháng 12 tiêm đủ 2 mũi cho người 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm mũi thứ 3; khắc phục các sự cố và không để xảy ra khủng hoảng truyền thông; đồng thời phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón tết…
Cùng với việc tiêm vắc xin cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Thủ tướng cũng lưu ý việc ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung cho các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, 3 khâu đột phá chiến lược; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị để thu hút đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…
Rà soát việc bay quốc tế do biến thể Omicron
Tại cuộc họp báo của Chính phủ sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch báo cáo Thủ tướng và đưa ra danh sách quốc gia dự kiến sẽ mở lại đường bay quốc tế, gồm 12 quốc gia, phân làm 3 giai đoạn. Việc mở đường bay với quốc gia nào phải có sự đồng thuận với quốc gia đó, các hãng hàng không phải tuân thủ.
Tuy nhiên, gần đây sự xuất hiện của biến thể mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 nên các nước thận trọng hơn, khiến lộ trình mở dự kiến đề xuất từ tháng 12.2021 phải rà soát lại và tiếp tục làm việc với các quốc gia để nối lại chuyến bay. “Trên cơ sở làm việc, chúng tôi sẽ báo cáo lại Thủ tướng để quyết định”, ông Đông nói.
Trả lời báo chí về công tác phòng chống dịch và tăng hạn sử dụng vắc xin Pfizer, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định việc gia hạn vắc xin áp dụng cho toàn cầu; được kiểm định khắt khe, bảo đảm an toàn. Các lô vắc xin về VN đều được kiểm định, đánh giá về chất lượng. “Do vậy, việc tăng thời hạn 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng chất lượng vắc xin”, ông Thuấn nói và dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: “Việc gia hạn vắc xin thực hiện theo thông lệ quốc tế, VN không tự động gia hạn. Mọi vắc xin về VN đều được kiểm định theo yêu cầu của WHO và đảm bảo yêu cầu về chất lượng”.
Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả lĩnh vực
Tại cuộc họp báo, trả lời về kết quả điều tra các vụ án liên quan nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết đối với vụ án mà người đứng đầu có chức vụ cao vi phạm pháp luật, trước khi khởi tố vụ án, bị can, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan công an T.Ư sẽ xem xét cẩn trọng. “Nếu bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt. Như vậy là rất nhân văn trong vấn đề này”, ông Xô nói.
Theo ông Tô Ân Xô, năm 2021 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu làm trước một số vụ, trong đó có các vụ sai phạm trong lĩnh vực y tế và đấu thầu đất đai. Ông Xô nhấn mạnh các vụ án điểm được xử lý theo đúng tinh thần “xử lý 1 vụ án thì cảnh tỉnh cả 1 vùng, cả 1 lĩnh vực” và rất nhiều người dân được hưởng lợi.
Người phát ngôn Bộ Công an thông tin vụ án liên quan Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đều đã có kết luận rất rõ nên cơ quan tố tụng tiếp tục làm việc. Về việc khởi tố bà Phạm Thị Loan, sai phạm do liên quan tới đấu thầu đất đai, ông Xô nói: “Công ty này vây thầu, cho tất cả công ty con, cá nhân đem đi đấu thầu, câu móc với cơ quan liên quan. Giá đất 500 tỉ đồng hạ xuống 300 tỉ để thắng thầu. Ba công ty vây thầu loại hết công ty khác, đấu thầu 4 vòng đều cùng 1 giá, đều xin bỏ thầu và bốc thăm và cả 3 công ty đều là của bà Loan trúng thầu”; đồng thời cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ vụ việc.
Chưa chốt quy mô gói phục hồi kinh tế
Trả lời về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế đã được Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ nhiều vòng, tới nay vẫn chưa chốt quy mô gói phục hồi vì còn chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, công cụ chính để thực hiện chương trình này là chính sách tài khóa, tiền tệ. Ngoài nguồn lực này, nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách, quỹ doanh nghiệp và khu vực tư nhân thông qua các dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) sẽ được huy động.
Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế sẽ gồm 5 nhóm giải pháp về y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính. Năm nhóm giải pháp này cơ bản bao quát các lĩnh vực cần được hỗ trợ để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển sau khi phục hồi.
“Năm nhóm giải pháp đủ mạnh để phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Phương khẳng định, đồng thời cho biết thời gian áp dụng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm, tập trung vào năm 2022 - 2023 và có thể kéo dài thêm tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Bình luận (0)