Kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhưng nhiều khó khăn 'bào mòn' doanh nghiệp, người dân

17/12/2022 17:04 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch, nhưng hàng loạt khó khăn đang bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp , ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể cấp cao chiều nay 17.12, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh mẽ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chiều 17.12

gia hân

Trong điều kiện kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng nhưng ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt khoảng 8%, thu ngân sách vượt cao so với dự toán, tiếp tục duy trì xuất siêu với giá trị lớn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam khá tích cực. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo có nhiều yếu tố bất định, rủi ro tiềm ẩn; tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt; đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, dự kiến sẽ dẫn đến sự giảm tốc mạnh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Trong nước, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến tăng trưởng và gây ra nhiều hệ lụy; thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, hầu như không có phát hành, chủ yếu là hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản; giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao, cơ chế điều hành có lúc còn bất cập, có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu…

“Những khó khăn đó đang “bào mòn sức khỏe” của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; nhiều doanh nghiệp có tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới, đã có hiện tượng người lao động nghỉ tết sớm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm”, Phó chủ tịch Quốc hội nêu.

Khẳng định Quốc hội đã đề ra nhiều giải pháp cũng như ban hành các nghị quyết tạo cơ chế thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, tuy nhiên, theo ông Hải, tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo ông Hải, yêu cầu cấp thiết là nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro; theo dõi, đánh giá kịp thời các tác động để có giải pháp kịp thời; ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp; khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong điều kiện áp lực lạm phát dai dẳng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Xử lý dứt điểm các yếu kém, điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm công, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công...

Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục, tình trạng chuyển dịch lao động có chất lượng từ khu vực công sang khu vực tư, các vấn đề bức xúc cử tri, người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh trao đổi với các đại biểu tham dự diễn đàn

gia hân

Nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ

Trước đó, phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho rằng, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều. Trong bối cảnh đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Sau thời gian 2 năm 2020 - 2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.

Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao, trên 8%; lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái...

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Song tổng thu ngân sách đến hết tháng 11 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới", Trưởng ban kinh tế T.Ư đánh giá.

Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.