Kinh tế sáng tạo bùng nổ, các nền tảng công nghệ tranh nhau tài năng trực tuyến

06/06/2021 14:22 GMT+7

Để thu hút và giữ chân những người sáng tạo nội dung hấp dẫn nhất, các nền tảng truyền thông xã hội gần đây liên tục đưa ra nhiều tính năng kiếm tiền và quỹ tài trợ mới.

Katie Feeney, 18 tuổi đến từ bang Maryland (Mỹ), cho biết chỉ với một tuần đăng các video giải trí và video mở hộp (unboxing video) trên Snapchat, cô đã kiếm được 229.000 USD. Tổng thu nhập 1,4 triệu USD trong bảy tháng qua đã đủ để cô trả học phí tại Đại học bang Pennsylvania, nơi cô đang theo học ngành kinh doanh.
Julian Shaw, huấn luyện viên cá nhân ở Portland, bang Oregon (Mỹ), đã tự trả hết khoản nợ tín dụng 18.000 USD trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra bằng cách bán các video dạy thể dục trên OnlyFans, mạng xã hội của Anh nơi người dùng phải trả tiền để đăng ký theo dõi nội dung được ưa chuộng.
Sự phổ biến của các công ty mới nổi như TikTok đã thúc đẩy cuộc chạy đua giữa những ông lớn đương nhiệm như Facebook, Twitter và YouTube để có được người sáng tạo nội dung nổi tiếng nhất, đôi khi họ còn được gọi là những người có ảnh hưởng (influencer). Theo Reuters, trong năm ngoái các công ty truyền thông xã hội lớn đã đua nhau đưa ra hàng chục tính năng mới như công cụ đăng ký, công cụ nhận tiền tip từ người hâm mộ và các quỹ hàng triệu USD để thu hút khoảng 50 triệu người sáng tạo như Katie Feeney và Julian Shaw ở khắp nơi trên thế giới.
Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có sự thay đổi đáng kể đối với người dùng mạng xã hội thông thường. Họ sẽ gặp phải nhiều yêu cầu hoặc bắt buộc phải trả tiền cho những nội dung hiện miễn phí. Mặt khác, các công cụ mới sẽ đem lại cho người dùng cơ hội tương tác trực tiếp cao hơn với những người có ảnh hưởng.
Cuộc chạy đua để thu hút và giữ chân người sáng tạo đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sáng tạo trên mạng xã hội, vốn chỉ kiếm tiền thông qua việc chia sẻ doanh thu quảng cáo và tài trợ từ thương hiệu trong nhiều năm qua. Theo công ty tiếp thị người có ảnh hưởng Mediakix, thị trường tài trợ thương hiệu đạt 8 tỉ USD trong năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 15 tỉ USD vào năm tới.
“Quyền lực đã chuyển từ nền tảng sang người sáng tạo. Tất cả các nền tảng đều nhận ra rằng họ có nguy cơ mất nguồn lao động nghiêm trọng nếu họ không có thêm các tính năng kiếm tiền mới cho người sáng tạo”, Josh Constine từ công ty đầu tư mạo hiểm SignalFire nói. Câu chuyện của Vine là một kinh nghiệm đầy cảnh giác. Ứng dụng video ngắn được Twitter mua lại đã không thể tồn tại sau khi những người sáng tạo nội dung rời đi vì không được cung cấp cách kiếm tiền.
Vốn thiếu các tính năng kiếm tiền từ lâu, nhưng gần đây Facebook đã công bố một loạt tính năng mới tập trung vào người sáng tạo. Mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đang trả tiền cho người chơi video thông qua việc xây dựng Facebook Gaming. Người đứng đầu Instagram Adam Mosseri tuần trước cho biết ứng dụng đang “khám phá” tính năng đăng ký nội dung. Ngay cả Twitter cũng cố gắng bắt kịp bằng “Super Follow”, tính năng để người dùng trả tiền nội dung độc quyền cho những tài khoản nổi tiếng.
“Tôi đã tweet miễn phí 40.000 lần kể từ năm 2009, nếu bạn đã từng bật cười vui vẻ vì một dòng tweet cho dù là vô nghĩa của tôi, thì tôi mong đợi cũng sẽ nhận được ít nhất 1 USD từ bạn”, nhiếp ảnh gia Nesrin Danan ở Los Angeles viết cho 27.000 người theo dõi mình khi biết có thể kiếm được tiền tip trên Twitter. Danan tiết lộ cô đã kiếm được vài trăm USD trong tháng qua.

Ảnh chụp màn hình số tiền 966.546 USD mà Dominic Andre và bạn gái đã kiếm được từ Snapchat trong năm qua

Ảnh 02: Reuters

Cuộc săn đuổi người sáng tạo

Người sáng tạo trên mạng xã hội hiện nay thường dùng một nền tảng để chia sẻ chéo, nhằm thu hút và tăng thêm thành công cho sản phẩm của họ trên một nền tảng khác. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào nền tảng duy nhất, nơi họ có thể gặp khó khăn khi nền tảng thay đổi thuật toán hoặc đưa ra quyết định kiểm duyệt.
Để giữ chân người sáng tạo, các nền tảng công nghệ đang tăng cường xây dựng quỹ riêng để trả cho những người sản xuất nội dung hấp dẫn nhất. Snapchat cho biết đã chi 130 triệu USD kể từ tháng 11.2020 để tài trợ cho người đóng góp vào tính năng “Spotlight”. Dominic Andre, nhà trị liệu sức khỏe tâm thần chuyên sáng tạo video khoa học cho Tiktok, nói rằng anh đã để mắt đến việc tham gia vào các chương trình của Snapchat từ lâu. Anh và bạn gái đã chụp màn hình số tiền 966.546 USD kiếm được trong năm qua từ Spotlight, sau đó phóng to và treo khung hình ngay trong ngôi nhà mà số tiền này đã giúp họ mua được ở Los Angeles (Mỹ).
Trước khi mở rộng sang Snapchat, Fenney đã có hơn 5 triệu người theo dõi trên TikTok. Cô gần đây cho biết đã được YouTube tuyển dụng để tham gia bản thử nghiệm cho YouTube Shorts, tính năng video ngắn giống với TikTok. Nhà báo công nghệ Casey Newton, người đã rời Vox Media để viết bản tin "Platformer" trên Substack vào tháng 9.2020, cho biết các công ty đang đưa ra nhiều điều khoản có lợi hơn cho người sáng tạo so với trước đây. “Điều đó cho thấy những người sáng tạo đang có nhiều sức mạnh như thế nào trong thời điểm này”, Casey Newton nhận xét.
Theo Reuters, YouTube gần đây đã khởi động quỹ 100 triệu USD cho những người sáng tạo tham gia YouTube Shorts. “Người sáng tạo đang chiếm vị trí xứng đáng của họ ở trung tâm nền kinh tế sáng tạo. Chúng tôi cần phải là căn cứ địa của họ”, Jamie Byrne, Giám đốc cấp cao về quan hệ đối tác với người sáng tạo của YouTube, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.