Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Thông tin Truyền thông thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số

29/12/2019 09:52 GMT+7

.Nhấn mạnh tới chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế số là động lực để Việt Nam có thể đi nhanh, đi tắt, trở thành con hổ thứ 5, biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ TT-TT sáng 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tiến bộ của Bộ TT-TT, đã “giữ lời nói đi đôi với việc làm”, vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng. Ngành viễn thông cũng tăng trưởng gần 19% với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ, triển khai thử nghiệm mạng 5G, Vingroup, Viettel sản xuất được thiết bị 5G, kế hoạch tắt sóng 2G, khởi động chương trình lớn Make in Vietnam thể hiện khát khao, chủ động của người Việt trong việc làm chủ công nghệ, cũng như quy hoạch báo chí, chính phủ điện tử...

Trạm 5G đầu tiên phát sóng tại Hà Nội

ẢNh: Thùy Linh

Phải lành mạnh hóa ngành viễn thông

Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á, trở thành con hổ thứ 5 hay không? Câu trả lời là có thể. Với truyền thống chim Lạc, đất nước phải tìm cho mình đôi cánh để bay nhanh hơn. Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng để đưa VN tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Tôi đưa ra một cái tên mới của Bộ TT-TT cho các đồng chí thảo luận là Bộ Truyền thông và Kinh tế số

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc một số tồn tại như viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, an ninh an toàn mạng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, lĩnh vực báo chí còn tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin, nhũng nhiễu.
“Việc đưa nhiều thông tin tiêu cực đã làm suy giảm năng lượng tích cực của xã hội, chưa tạo nên một khát vọng xây dựng đất nước”, Thủ tướng nêu và yêu cầu Bộ TT-TT phải thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí được ký, không được lùi thời gian. “Quy hoạch sắp xếp lại nhưng không mất việc làm của những người làm báo. Làm sao để quản lý tốt hơn mà theo tinh thần phải “nắm người có tóc” chứ không phải để tình trạng không ai chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch…
Hoan nghênh các mạng xã hội nước ngoài đến làm ăn nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, Thủ tướng cũng giao Bộ TT-TT phải có những giải pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn nữa với các công ty này. Về phía nhà mạng viễn thông, phải đảm nhiệm thêm vai trò cung cấp hạ tầng số, hạ tầng thanh toán không tiền mặt (mobile money). Với vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, vai trò của nhà mạng rất quan trọng để xử lý vấn đề này nhằm không để ảnh hưởng đến người dân, Bộ TT-TT phải có trách nhiệm quản lý nhà nước.
“Năm 2020 dứt khoát phải lành mạnh hóa ngành viễn thông, doanh thu có thể giảm một chút nhưng tin rác, tin xấu dứt khoát phải được quản lý cho tốt”, Thủ tướng yêu cầu.

Tiến tới một “Việt Nam số”

Dừng công nghệ di động cũ 2G từ 2022

Bộ TT-TT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Hiện nay, trên mạng viễn thông VN đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, 3G triển khai từ năm 2009, 4G triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, số thuê bao băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động, còn lại phần lớn là thuê bao 2G.
Thủ tướng thống nhất với kiến nghị của Bộ TT-TT về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới, mục tiêu để 100% người dân Việt Nam có điện thoại thông minh và bổ sung tần số 4G nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới và tốc độ băng rộng. Dẫn việc Vingroup và Bkav đã tự sản xuất điện thoại thông minh cùng với Samsung, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải trở thành thủ đô về việc sản xuất smartphone. “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, vì thế các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược Make in Vietnam.
Nhắc đến 4 con hổ là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á, trở thành con hổ thứ 5 hay không? Câu trả lời là có thể. Với truyền thống chim Lạc, đất nước phải tìm cho mình đôi cánh để bay nhanh hơn. Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Tôi đưa ra một cái tên mới của Bộ TT-TT cho các đồng chí thảo luận là Bộ Truyền thông và Kinh tế số”.

Đào tạo kiến thức số hóa

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với việc thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa năm 2020, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm hay 8 năm như đối với 3G, 4G. Ngoài ra, tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để a lô. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng Hùng nói. Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Đề án chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, tỉnh, thành sẽ ban hành chương trình chuyển đổi số riêng.
Liên quan tới chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, ngành giáo dục sẽ tập trung đào tạo không chỉ kỹ sư công nghệ thông tin mà đưa vào chương trình học bắt buộc ICT, chuyển đổi số cho học sinh từ lớp 3, sau 10 năm nữa, sẽ có hàng triệu công dân trẻ đã được đào tạo, có kiến thức số hóa, mục tiêu hình thành một thế hệ công dân số cho Việt Nam.
Muốn chuyển số thành công thì nhân lực là 1 trong 3 yếu tố quyết định, cùng với thể chế và công nghệ, vì thế, Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị đưa kiến thức chuyển đổi số vào chương trình học phổ thông và đại học trong thời gian tới. “Bộ TT-TT, doanh nghiệp công nghệ cần dự báo trong 5 - 10 năm tới cần công nghệ gì, các trường đại học sẽ đưa ra các mã ngành học mới để đào tạo”, ông Nhạ nói.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dự lễ khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử. Để khắc phục những hạn chế trong việc triển khai chính phủ điện tử, Bộ TT-TT đã triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia hạt nhân về chính phủ điện tử tại tất cả các bộ, ngành, địa phương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.