Kinh tế tăng trưởng cao nhất 5 năm qua

02/04/2015 08:57 GMT+7

Hôm qua (1.4), tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết một số thông tin về nội dung họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và trả lời câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề.

* Làm rõ những vấn đề cá nhân, lợi ích... xung quanh việc lấp sông Đồng Nai làm dự án

Hôm qua (1.4), tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết một số thông tin về nội dung họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và trả lời câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề. 

Ngành xây dựng đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2015 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo ông Nên, tại phiên họp của Chính phủ kỳ này, các thành viên Chính phủ nhất trí đánh giá, kinh tế tháng 3 và quý 1/2015 tiếp tục có chuyển biến tích cực với các dấu hiệu: tốc độ tăng GDP quý 1 ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, nhờ đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, với mức tăng 8,25% (gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ); chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 9,1%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10%.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng ghi nhận nền kinh tế vẫn đối diện với một số thách thức như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn; tăng trưởng các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ; xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ; vẫn còn tình trạng kiểm soát an toàn lao động chưa chặt chẽ, để xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng… “Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, rất đáng mừng là nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nhưng vẫn còn một số khó khăn, cần các bộ, ngành tập trung chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”, ông Nên nói.
Theo ông Nên, riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, nhất là đầu ra và giá cả hàng nông sản. “Thủ tướng đề nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì tháo gỡ và có giải pháp vấn đề này ngay”, ông Nên dẫn lời Thủ tướng nói.
“Dân có ý kiến thì nên dừng lại”
Trả lời báo chí về việc tỉnh Đồng Nai cho phép DN lấp sông Đồng Nai để xây dựng dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Về việc này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vừa có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ TN-MT, NN-PTNT khẩn trương báo cáo về việc này. Hiện nay, các bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng; UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định dừng triển khai dự án này để thẩm định tính pháp lý cũng như đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án. Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có ý kiến về việc này và thông báo để nhân dân biết”.
Trả lời cụ thể hơn câu hỏi của Thanh Niên về việc UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Đồng Nai đã cho thực hiện 2 dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến môi trường, môi sinh nhưng không lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học, liệu có những lợi ích cục bộ đằng sau việc triển khai dự án này, ông Nên nói: “Qua 2 vụ việc này, chúng ta rút ra được nhiều bài học cả về pháp lý, cả về vấn đề thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ví dụ như ở đề án thực hiện thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng quá trình thực hiện không đầy đủ và đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã có chỉ đạo cho dừng đề án để kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Nhưng ở đây có bài học là hiện đã có những quy định khá rõ ràng của pháp luật như luật Thủ đô, luật Bảo vệ môi trường... nhiều nhà khoa học có ý kiến, báo chí cũng có những điều tra cụ thể… thì cơ quan quản lý cần có tiếp thu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chờ kết quả thanh tra xong mới biết sai và xử lý chỗ nào”.
Cũng theo ông Nên, trong việc chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng có yêu cầu quyết định, chính sách đưa ra phải lấy ý kiến người dân theo quy chế dân chủ. “Chúng ta phải kiểm tra xem việc thực hiện các dự án trên có đáp ứng điều đó không, có thực sự hợp lý và phải chú ý đến cả yếu tố đạo lý trong thực hiện chính sách”, ông Nên nói. “Cũng như dự án lấp sông ở Đồng Nai, cần phải làm rõ những yếu tố về pháp lý, quá trình lấy ý kiến của người dân, có vấn đề cá nhân, lợi ích hay không cũng cần phải phân tích, làm rõ”, ông Nên nói thêm.
Ông Nên cũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ ngày 1.4, khi nói về việc lấp sông ở Đồng Nai và đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội, Thủ tướng nói: “Chúng ta phải rút kinh nghiệm là làm bất cứ vấn đề gì, dù chúng ta cho là đúng nhưng khi thực hiện, có ý kiến của đông đảo người dân thì nên dừng lại, nếu có gì sai thì nghiêm túc sửa, trên tinh thần cầu thị”.
Chưa tịch thu phương tiện của người uống rượu bia
Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển sử dụng rượu bia của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT sau thời gian nghiên cứu đề xuất này đã báo cáo Chính phủ, theo đó cho rằng đề xuất trên là có căn cứ pháp lý và việc có chế tài mạnh với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia là cần thiết. Tuy nhiên, ông Nên cho biết, Bộ GTVT cho rằng, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận xã hội, nên tại thời điểm hiện nay, đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên. “Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng đã đồng ý chưa áp dụng biện pháp này”, ông Nên cho hay.
Bộ trưởng Nên cũng cho biết thêm, UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất 6 giải pháp triển khai tiếp theo như nghiêm túc thực hiện yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh đô thị trên các tuyến đường; đồng thời quản lý chặt chẽ, chăm sóc hệ thống cây xanh theo đúng quy định; tiếp tục công khai, minh bạch, cung cấp các thông tin, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị liên quan; khẩn trương tổ chức thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định; tiến hành kiểm tra, rà soát đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng tiêu chí, quy trình, quy định; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.
“Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các biện pháp chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và yêu cầu UBND TP.Hà Nội triển khai báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4.2015. Trong ngày 1.4, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội xúc tiến việc thanh tra, xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan”, ông Nên cho biết.
Kiến nghị sửa điều 60 luật Bảo hiểm xã hội
Đáng chú ý, tại phiên họp, theo ông Nên, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về điều 60 luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 (có hiệu lực vào 1.1.2016), trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành. “Sau khi nghe báo cáo, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi điều 60 luật BHXH 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần”, ông Nên thông báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.