(TNO) Sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng giảm trong năm 2014, không ít báo cáo tập trung phân tích chỉ số này. Nhưng nhìn xa hơn con số tăng trưởng GDP, kinh tế Bắc Kinh có thật sự đang trong thế khó?
Số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc ngày 19.1 vừa cho biết tăng trưởng GDP cả năm 2014 của nước này nằm ở mức 7,4%, thấp nhất kể từ năm 1990 - Ảnh: Reuters
|
Số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc ngày 19.1 vừa cho biết tăng trưởng GDP cả năm 2014 của nước này nằm ở mức 7,4%, thấp nhất kể từ năm 1990. Đây cũng là lần đầu tiên trong thế kỷ này, Trung Quốc trật nhịp mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra (7,5%) trong năm ngoái.
Trước đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2013 đạt 7,7% và năm 2012 đạt 7,8%. So với mức tăng đều đặn trong ba thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm trở lại đây của Trung Quốc khá thấp.
Và vì GDP là thước đo khá chính xác cho nền kinh tế Trung Quốc, sau khi số liệu được công bố, không ít báo cáo tập trung phân tích chỉ số tăng trưởng của nước này và dự liệu về thế khó cho tương lai của nền kinh tế.
Theo CNN ngày 21.1, Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2015. Nhận định hồi đầu tháng 1 của Ngân hàng thế giới (WB) và dự báo con số tăng trưởng của hai nền kinh tế được Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đưa ra chứng minh cho điều này.
Tuy nhiên, theo The Economist, chỉ đánh giá nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tập trung phân tích con số tăng trưởng GDP giảm đi là khá thiển cận.
Điểm sáng bền vững từ nền kinh tế chững lại
Thị trường bất động sản suy giảm là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP trong năm 2014 của Trung Quốc giảm - Ảnh: Reuters
|
Có nhiều yếu tố giải thích cho con số tăng trưởng GDP trên đà giảm của nước này: thị trường bất động sản đang suy giảm với số lượng tồn kho cao, một số ngành sản xuất đang đối mặt với việc giảm sản lượng, xuất khẩu không tăng mạnh…
Tuy nhiên, nếu xét nhiều khía cạnh cụ thể, con số tăng trưởng 7,4% vẫn cho thấy kinh tế Bắc Kinh vẫn đang đi đúng hướng mà không cần quá nhiều nỗ lực từ phía chính phủ. Có 3 yếu tố chứng minh cho nhận định trên.
Thứ nhất, vào năm 2009, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn giữ ở mức thấp. Hai năm sau đó, tình hình vẫn không mấy khả quan hơn khi tổng vốn cố định chiếm 48,3% trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, lớn hơn con số khoảng 40% của Hàn Quốc và Đài Loan ở thế kỷ trước khi cả hai nước này đang thực hiện công nghiệp hóa.
Tỷ trọng tiêu dùng và dịch vụ trong năm 2014 tăng lên lần lượt 3% và 1,3% so với một năm trước đó - Ảnh: Reuters
|
Tuy nhiên, trong năm 2014, đầu tư đang dần dần chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế, dù chính phủ nước này dùng đến một gói kích thích nhỏ trong năm qua. Tỷ trọng tiêu dùng và dịch vụ do đó tăng lên, đứng lần lượt ở mức 51,2%, và 48,2%, tức tăng lần lượt 3% và 1,3% so với một năm trước đó.
Thứ hai, vì ngành dịch vụ cần nhiều lao động đã chiếm tỷ trọng cao hơn, Bắc Kinh đang làm khá tốt trong việc tạo ra việc làm với 13,2 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm ngoái, tăng hơn đáng kể so với con số 12 triệu trong năm 2007.
Thứ ba, thu nhập của người lao động Trung Quốc ghi nhận mức tăng khá ổn định: 8% trong năm ngoái sau khi chính phủ kiểm soát được lạm phát. Cụ thể, thu nhập của người dân nông thôn trung bình tăng lên 9,2%, còn thu nhập của người dân đô thị tăng 6,8%.
Điều này cũng kéo mức chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn giảm đi đáng kể, xuống chỉ còn 2,9 – 1 trong năm ngoái so với mức 3,3 – 1 cách đây 6 năm. Từ đó, bất bình đẳng trong xã hội có cơ hội được thu hẹp.
Nhìn xa hơn mức độ tăng trưởng GDP
GDP của Trung Quốc vượt mốc 10 nghìn tỷ USD trong năm qua - Ảnh: Reuters
|
Nếu không kể cả các yếu tố trên, kinh tế Bắc Kinh vẫn cho thấy khá nhiều tín hiệu lạc quan.
Tổng sản lượng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm qua cán mốc 10 nghìn tỉ USD, điều này khiến Trung Quốc trở thành nước thứ hai trên thế giới làm được điều này, chỉ sau Mỹ khi Washington đạt được nó vào năm 2000.
Nếu tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại, tổng sản lượng kinh tế của nước này lên đến con số 10,3 nghìn tỉ USD, cao hơn gấp 5 lần con số 1,9 nghìn tỉ USD cách đây một thập kỷ.
Ngoài ra, năm 2014, Trung Quốc có thêm 4,8 nghìn tỉ nhân dân tệ đóng góp vào GDP trong bối cảnh tăng trưởng chững lại và lạm phát thấp. Con số này xấp xỉ số liệu được ghi nhận trong năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế ở mức 14,2% đi kèm với lạm phát ở mức cao.
Điều này cho thấy, tuy mức độ tăng trưởng GDP có giảm so với kỳ vọng, nhưng lạm phát ổn định cũng lạc quan hóa bức tranh kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cuồng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở Davos, Thuỵ Sĩ - Ảnh: AFP
|
Tổng quan, dù Bắc Kinh có trật nhịp mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, các con số trên cùng những chính sách cải tổ đang được tiến hành vẫn có thể cho thấy kết quả về lâu dài, chứng minh rằng nền kinh tế nước này đang đi đúng hướng.
Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Dariusz Kowalczyk tại Credit Agricole ở Hồng Kông cho hay: “Các con số tổng thể của nền kinh tế cần được hạ thấp để thực hiện các kích thích tăng trưởng sâu hơn, khả năng chính phủ có thể giảm nhẹ các rủi ro đang hiển hiện vẫn còn đó”.
Theo Bloomberg, tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định mục tiêu trên khi đưa ra khẩu hiệu “một sự bình thường mới” cho nền kinh tế. Cụ thể, đó sẽ là một nền kinh tế tăng trưởng chậm nhưng với chất lượng cao hơn.
Đây cũng là điều được Cục Thống kê Trung Quốc nhắc lại hơn 8 lần trong buổi họp báo công bố con số tăng trưởng năm 2014, và được Thủ tướng nước này, ông Lý Khắc Cường, nhắc đến trong ngày thứ hai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ, theo AFP.
Bình luận (0)