Trong khi đó, Bộ NN-PTNT cũng đánh giá, sau hơn 40 năm đổi mới và tái cơ cấu, nông nghiệp khẳng định là ngành có vai trò làm "trụ đỡ của nền kinh tế". Nhưng hiện nay, nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, phụ phẩm nông nghiệp đang là nguồn phát thải khí nhà kính, trong khi Việt Nam chưa có đủ nguồn lực tài chính, công nghệ để ứng dụng vào kinh tế tuần hoàn.
Thống kê từ Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng phụ phẩm trong ngành nông nghiệp lên tới trên 168 triệu tấn. Nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm thành những sản phẩm giá trị gia tăng ở mức thấp. Cụ thể với ngành thủy sản, tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ chiếm 15 - 20%.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, mỗi năm ngành trồng trọt có trên 80 triệu tấn phụ phẩm, chăn nuôi hơn 60 tấn... Nếu có đủ tiềm lực và công nghệ để sử dụng toàn bộ số phụ phẩm này vào các mô hình kinh tế tuần hoàn thì giá trị của ngành nông nghiệp Việt Nam rất cao.
Cũng theo tính toán của UNDP tại Việt Nam, hàng năm đàn gia súc thải ra 71,9 triệu chất thải rắn và 76,4 triệu tấn lỏng. Chất thải chăn nuôi có thể cung cấp khoảng 42 triệu tấn chất hữu cơ cho đất và tương đương 1,2 triệu tấn phân urê, 3,1 triệu tấn lân và 2,4 triệu tấn phân kali sunfat.
Nếu áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn phụ phẩm từ ngành trồng trọt và chất thải chăn nuôi thì sẽ tạo 85,4 triệu tấn chất hữu cơ trong đất, 3 triệu tấn phân urê, 4,8 triệu tấn phân lân và 4,6 triệu tấn phân kali sunfat. Theo đó, số phân bón này vượt quá nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam là 10,23 triệu tấn.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng việc thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu cho các ngành năng lượng, chất dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đại diện UNDP tại Việt Nam đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế tuần hoàn (NDC-CE) nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn.
Thời gian tới, UNDP tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ NN-PTNT sử dụng bộ công cụ này trong chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo; phối hợp với Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chăn nuôi và Viện Kinh tế nông nghiệp để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay không chỉ là yêu cầu, xu hướng tất yếu mà đây sẽ là giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đang tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn lực đầu tư, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp tuần hoàn giảm phát thải, triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển xanh và bền vững.
Bình luận (0)