Hệ quả của việc này là rất lớn tuy nhiên mẫu số chung thường thấy là chỉ có nhà sản xuất chịu trách nhiệm, còn các cơ quan liên quan hầu như vô can.
Trách nhiệm cơ quan quản lý
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Công ty luật Hồng Long (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng phải quy trách nhiệm liên quan đến cấp quản lý có thẩm quyền đã cho phép đưa sản phẩm độc hại ra thị trường. Nếu xác định được cá nhân, tổ chức thi hành công vụ có lỗi trong việc để sản phẩm nhiễm chì ra thị trường và người tiêu dùng đã sử dụng, gây tổn hại đến sức khỏe thì có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức nhà nước bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. “Ví dụ, vụ nước uống nhiễm chì vừa qua là vụ việc nghiêm trọng, ngoài việc Bộ Y tế công bố kết quả sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm và thu hồi, xử phạt nhà sản xuất, cơ quan công an cũng nên điều tra xác minh những thông tin có liên quan xoay quanh khác như dư luận đã nghi ngờ. Sau đó phải có kết luận công bố nhằm xác minh tính xác thực của thông tin vì tầm quan trọng của vụ việc này liên quan đến hàng ngàn người”, luật sư Toản nhấn mạnh.
|
|
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ nhà sản xuất chịu trách nhiệm và bị phạt tiền thì vẫn chỉ xử lý kiểu "thí tốt" và kiểu xử lý này sẽ rất khó để ngăn chặn thực phẩm nhiễm chì nói riêng, thực phẩm bẩn nói chung trên thị trường. Vì đa số tiền nộp phạt không ăn thua gì so với lợi nhuận thu được từ các hành vi vi phạm. Vì vậy, phải xử lý các cơ quan liên quan như cơ quan thẩm định đầu vào, "đóng dấu" đạt chuẩn cho sản phẩm ra thị trường, khâu nhập nguyên liệu...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, phân công nhiệm vụ quản lý với hàng thực phẩm tiêu dùng hiện có sự chồng chéo và đôi khi giẫm chân lên nhau. Trong khi đó, cơ chế để đánh giá thực phẩm sạch hay bẩn chưa rõ ràng. Người tiêu dùng khó có thể tiếp cận với các trung tâm thử nghiệm. Do đó, phải chỉ rõ trách nhiệm trước hết thuộc về nhà sản xuất khi đã đưa ra thị trường hàng chục tấn nước uống nhiễm chì và sản phẩm đã được nhiều người sử dụng. Sau đó nếu sản phẩm đã bị phát hiện vi phạm nhưng vẫn còn lưu hành công khai trên thị trường thì trách nhiệm này thuộc quản lý thị trường. Hoặc sản phẩm kiểm nghiệm nếu biết có nhiễm lượng chì cao nhưng vẫn cho lưu hành, hoặc còn du di cho nhà sản xuất để khắc phục thì trách nhiệm này thuộc Bộ Y tế...
Kiểm tra đầu vào, đầu ra
Đồng quan điểm khi cho rằng việc quản lý thực phẩm nói chung và nước uống, nước ngọt nói riêng hiện tại còn chung chung và khá chồng chéo, một chuyên gia dinh dưỡng tại TP.HCM phân tích việc phân công cho 3 bộ gồm Y tế, Công thương và NN-PTNT tưởng chặt nhưng khi gặp vấn đề, người tiêu dùng không biết kêu ai. Thậm chí bản thân “ông quản lý” đôi khi còn lúng túng, ngồi nghĩ mãi xem sản phẩm đó thuộc cơ quan nào để chuyển đơn từ xử lý. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng hơn để khi phát hiện thực phẩm mất an toàn, vụ việc sẽ được xử lý theo luật hoặc nếu cần thiết phải có cả 3 bộ ngồi lại bàn cách giải quyết. Nếu chỉ phát hiện, tiêu hủy vài ba lô hàng thì mới chỉ chặn phần ngọn, còn phần gốc của vấn đề vẫn còn nguyên và không ai dám khẳng định sẽ không còn những lô hàng nước uống bị nhiễm chì, hay nhiễm thủy ngân khác có mặt trên thị trường.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhấn mạnh công tác quản lý còn lỏng lẻo và điều này là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trước người dân. Đặc biệt đối với tất cả thực phẩm, cần phải thực hiện quy trình tiền kiểm từng lô hàng sản xuất.
Bởi nếu để hậu kiểm như hiện nay, thì giống như chúng ta đang làm theo cách “thả gà ra đuổi” nhưng vẫn đuổi không kịp và hậu quả rất nghiêm trọng khi người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm độc hại. Việc chỉ hậu kiểm khi sản phẩm đã có mặt trên khắp hang cùng ngõ hẻm, hoặc chỉ khi có nghi vấn đã khiến cho thực phẩm bẩn vẫn tràn lan và cũng sẽ không bao giờ chấm dứt.
“Khi chúng ta chỉ hậu kiểm và để doanh nghiệp tự công bố chất lượng thì hầu như sản phẩm nào cũng... đẹp như tiên. Không doanh nghiệp nào lại đưa ra thông tin xấu về mình. Do vậy cần phải thực hiện chính sách tiền kiểm, từng lô hàng muốn được đưa ra lưu thông trên thị trường phải được dán tem kiểm định. Tôi thấy một số nước đã thực hiện điều này từ lâu. Việc kiểm định trước khi cho lưu thông cần được làm nhanh, làm miễn phí thì sẽ không rơi vào chuyện nhà nước hành doanh nghiệp. Điều đó là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, của giống nòi chứ không phải chỉ quanh năm chạy theo đuôi các nhà sản xuất như hiện nay nên có quá nhiều vấn đề trong thực phẩm. Ví dụ, chúng ta phải kiểm định ngay con lợn đang sống chứ không phải đi kiểm tra từng miếng thịt đang được bán ở ngoài chợ. Như thế mới ngăn chặn được triệt để hơn”, ông Phú nói.
TS Nguyễn Minh Phong cũng kiến nghị cần gấp rút hoàn thành các chương trình, đề án hành động liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, và có phân công đầy đủ rõ ràng từ trách nhiệm các cấp, các ngành, các cán bộ lãnh đạo cao nhất. Ví dụ liên quan đến một vụ thực phẩm bẩn, ông nào phải chịu trách nhiệm, có đầu mối hẳn hoi để quy trách nhiệm chứ không phải cứ nói chung chung về trách nhiệm của doanh nghiệp rồi bỏ qua cho nhau. Hiện nay tất cả những thứ quy trách nhiệm này đều chưa rõ ràng, điều này là cực kỳ nguy hiểm cho người dân.
Bình luận (0)