Da giày và dệt may được đánh giá là có cơ hội nhiều nhất từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại.
Ngành da giày đang đứng trước một cơ hội lớn - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách VN |
* Thưa ông, ngành da giày sẽ được hưởng lợi gì từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), mà gần nhất là TPP mà VN vừa ký kết? Ông có lạc quan về TPP không?
- Tôi thấy trước mắt mình mở ra một cơ hội rất lớn - là cơ hội vàng lần thứ 2 sau 20 năm ngành da giày hình thành và phát triển (cơ hội vàng lần đầu là nhiều DN chung tay trong thời kỳ “khai phá” ngành da giày). Cho đến nay, ngành da giày đã định hình được các DN tồn tại được và những DN không tồn tại được trong nghề, lựa chọn làm trực tiếp hay gia công. TPP mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của ngành da giày khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ về 0%. Đối với xuất khẩu, thuế suất chỉ cần giảm 3 - 5% là DN đã "nhảy cẫng" lên rồi, mà nay có những mặt hàng thuế suất giảm hàng chục phần trăm. Chẳng hạn như mức thuế suất ở Mỹ khá cao, bình quân 27%, nhiều nhóm hàng thuế suất lên tới 60%, nên giảm về 0% sẽ tác động sâu rộng việc DN tăng năng lực cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường, lượng đơn hàng dồn về mạnh mẽ.
Hiện nay, VN đứng trong top 4 nước về kim ngạch sản lượng giày dép trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil; là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về giá trị, sau Trung Quốc và Ý. Vào TPP, sắp tới sẽ là một thời kỳ vàng cho ngành da giày, với dự báo ngành tăng trưởng 15 - 20%/năm trong vòng 5 năm tới.
* Vậy những lợi thế đó DN trong ngành da giày có tận dụng được hết “cơ hội vàng” không?
- Theo quy luật đào thải, ngành công nghiệp da giày đòi hỏi thủ công nhiều, nên lực lượng lao động lớn, chi phí lao động thường chiếm 25% tổng giá thành sản phẩm. Theo nghiên cứu, thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD/năm đã khiến năng lực cạnh tranh giảm. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tiến đến 7.000 USD vì vậy, nhiều DN nước ngoài chọn VN làm “cứ điểm”, hay lượng đơn hàng xuất khẩu có sự dịch chuyển mạnh từ TQ sang VN nhờ chi phí nhân công giá rẻ. Vì vậy, TPP không chỉ là cơ hội vàng mà còn là cơ hội “kép”.
Vấn đề còn lại khiến tôi rất “đau đầu” là cơ hội chỉ đến với những DN đủ tầm, có đầu tư nghiên cứu phát triển, trong khi hầu hết các DN ngành da giày trong nước chỉ chăm chú đầu tư gia công, sản xuất. Vì vậy, “miếng bánh” TPP rất lớn, đủ cho nhiều người, nhưng hưởng phần nhiều là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải là DN trong nước; mà DN trong nước có tận dụng tốt cơ hội thì tăng trưởng mới “bùng phát” được.
* Một chú ý để hàng hóa được hưởng một mức thuế quan ưu đãi lý tưởng là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, nếu không cũng chỉ được hưởng thuế suất bình thường?
- Sau nhiều góp ý, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ vừa được thông qua tạo điều kiện thuận lợi như các chính sách ưu đãi về vốn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường... cho các DN. Đây là một tháo gỡ có thể giúp các DN trong ngành phát triển và có đà tăng trưởng vững chắc về sau.
Hiện nay, chi phí về logistics, điện năng, cơ sở hạ tầng chiếm từ 7 - 10%, nguyên vật liệu chiếm 50 - 55% tổng giá thành sản phẩm. Trong thời gian qua, sản xuất nguyên vật liệu trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) đáp ứng được trên 50% nhu cầu sản xuất của DN sản xuất. Vì vậy, công nghiệp phụ trợ trong nước có cơ hội tham gia từ 25 - 35% trong giá thành, tùy mỗi nhóm hàng, để nâng cao hơn nữa thặng dư thương mại trong ngành da giày. Trong đàm phán TPP quy định lấy da đã thuộc rồi, nên về đáp ứng quy tắc xuất xứ, tôi tin là ngành da giày cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Điều tôi lo lắng nhất là DN phàn nàn quy định, chính sách còn gây khó cho DN. Vì vậy, cần phân vai rõ hơn nhà nước làm gì, DN làm gì để tận dụng được cơ hội vàng này.
Bình luận (0)