Chết lặng trên Mã Pí Lèng

27/01/2012 10:27 GMT+7

Chiều dài chỉ khoảng 20 km, cao 2.000m so với mực nước biển nhưng Mã Pí Lèng (Hà Giang) làm bất cứ ai đặt chân đến cũng phải ngợp, nỗi choáng ngợp trước những điều kỳ vỹ, vượt quá sức tưởng tượng của con người.

Chiều dài chỉ khoảng 20 km, cao 2.000m so với mực nước biển nhưng Mã Pí Lèng (Hà Giang) làm bất cứ ai đặt chân đến cũng phải ngợp, nỗi choáng ngợp trước những điều kỳ vỹ, vượt quá sức tưởng tượng của con người.

Các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang vào trước năm 1960 tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi cao hùng vĩ áng ngữ. Ở đó, có hơn 8 vạn đồng bào chìm trong đói nghèo, lạc hậu và chưa từng biết đến một con đường đúng nghĩa.

Để đem ánh sáng văn minh đến với những con người phía sau cổng trời, Trung ương Đảng, Khu uỷ Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc dài 200 km.
 
Hơn 2 vạn người bao gồm TNXP và người dân thuộc 16 dân tộc ở 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam được huy động làm đường. Phải mất gần 6 năm con đường mới hoàn thành và được đặt tên là Hạnh Phúc.

Trong 6 năm đó, những người làm đường phải treo mình suốt 11 tháng trời bên vách đá để đục đẽo, để vắt một dải lụa đẹp như thơ trên dãy núi thẳng đứng như sóng mũi con ngựa, Mã Pí Lèng.

Để cảm hết nét hùng tráng, đẹp đẽ của Mã Pí Lèng, theo tôi phải đi bộ. Tuy nhiên, không có nhiều thời gian cũng như không đủ tự tin để có một đôi chân chắc khoẻ như những phụ nữ người Mông nên có lẽ xe máy là phương tiện hợp lý nhất.

Tháp tùng với Câu lạc bộ Du Khảo TPHCM, tôi đến Hà Giang vào những ngày cuối mùa thu với nắng vàng ươm, đất trời se lạnh. Sau một ngày nhẩn nha trên đoạn đầu của con đường Hạnh Phúc, ghé thăm cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của tổ quốc, chúng tôi nghỉ đêm ở Đồng Văn.

7 giờ sáng hôm sau, ai cũng nôn nao chuyện chinh phục Mã Pí Lèng nhưng trưởng đoàn trấn an, cứ từ từ vì giờ này, dải lụa mềm mại đó đang ngủ yên trong mây mù.

Sau khi dằn bụng tô sốt vang nóng hổi, ngon đậm đến từng chân răng, chúng tôi đi dạo, làm chầu cà phê phố cổ đến gần 9 giờ mới lên đường.

Ra khỏi thị trấn Đồng Văn, sương trắng vẫn còn vờn quanh những ngọn núi cao nhọn hoắc, sà xuống đường, lạnh buốt. Đến địa phận huyện Mèo Vạc, sương tan, Mã Pí Lèng dần hiện ra.

Ở xứ sở của đá, cái gì cũng có vẻ hiểm trở, cứng nhắc. Núi thì nhọn hoắc, đá cũng nhọn hoắc chen chúc nhau, chĩa thẳng lên trời. Chỉ có con đường là mềm mại như lụa…

Và dải lụa đó cứ quanh co, làm duyên làm dáng mãi, uốn lượn qua hẻm núi này, chợt lên con dốc nọ rồi bỗng tắm mình trong một màu vàng ươm của nắng thu. Đó là lúc chúng tôi đã lên đến điểm cao nhất của Mã Pí Lèng.

Đưa máy chụp hình lên ngắm, tôi bấm vài tấm rồi buông thõng tay, cảm giác bất lực. Từ ngữ, ống kính máy chụp hình hay quay phim đều sẽ trở nên vô nghĩa khi đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng. Không có gì có thể lột tả được hết sự trùng điệp, chớn chở của núi, cái trắng xoá, xa mờ ảo, huyền hoặc của mây, cái thăm thẳm sâu của vực...

Đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, tôi thấy mình cao muôn trượng, núi gần quá, mây gần quá tưởng chừng như vói tay thôi là đã chạm được. Núi nhiều đến mức chen lẫn vào trong mây, xô đẩy mãi, nuốt chửng cả đường chân trời.

Đây có khác nào thiên đường? Phải, một thiên đường đúng nghĩa làm người ta sững sờ chết lặng. Nó rộng lớn, kỳ vỹ đến mức dòng sông Nho Quế xanh biếc phải khép nép, ép mình lặng lẽ chảy qua cái khe nhỏ dưới đáy vực sâu; làm con đường do công sức của hàng vạn con người tạo ra trở thành một sợi chỉ mỏng manh, viền hờ hững qua sườn núi; làm chúng tôi, những con người trẻ tuổi mới đây thôi còn thấy mình cao lớn, mạnh mẽ trở nên vô nghĩa trước thiên nhiên.

30 phút đứng trên đỉnh của Mã Pí Lèng, tôi thu tất cả vào tầm mắt mình cái hùng vĩ, tráng lệ của cao nguyên đá Đồng Văn. Đọc nội dung bảng tổng kết quá trình thi công con đường và chợt nhận ra, cái kỳ vỹ này chẳng thấm vào đâu so với sức mạnh của con người.

Núi đá tai mèo cheo leo hiểm trở, cứng như sắt thép. Vậy mà, không cần máy móc tối tân, không cần mìn, bộc phá, bàn tay của hàng vạn con người đã làm nên kỳ tích.

Nhìn vực sâu, nhìn sườn núi cheo leo, tôi mới hình dung ra tại sao hàng vạn con người của những năm 60 của thế kỷ trước phải treo mình trên đó 11 tháng. Khó mà đong đếm được bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đã đổ trên cao nguyên đá để đem hạnh phúc đến cho 8 vạn đồng bào miền núi, đưa họ từng bước tiến kịp với miền xuôi.

Cao nguyên Đồng Văn là một thiên đường, nhưng thiên đường đó không phải là mảnh đất màu mỡ cho sự sống. Nhờ bàn tay của hàng vạn con người trẻ tuổi, thiên đường đó đã trở thành thiên đường hạnh phúc. Hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc miền núi, hạnh phúc cho cả chúng tôi, được đi, đến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô tận của đất nước mình.

Khi những vòng bánh xe đều đều cứ tuột dần xuống dốc, núi càng cao hơn che khuất cả ánh nắng mặt trời là lúc tôi biết mình đã qua Mã Pí Lèng và cũng đã đi sắp hết con đường Hạnh Phúc, mà điểm cuối là thị trấn Mèo Vạc.

Thế hệ trước đã mất 6 năm để làm con đường hạnh phúc, mất 11 tháng căng mình đục đá để tạo 20 km đường, vượt qua dốc Mã Pí Lèng. Vậy mà, chúng tôi chỉ mất 1 ngày và 1 giờ để đi qua… Cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc trào lên trong lồng ngực.

Tôi thấy mình quá vội vã, tôi sợ mình đã bỏ sót điều gì đó chưa kịp thu vào tầm mắt, ghi vào trong bộ não. Tôi chợt nhận ra mình chỉ mới lướt qua chứ chưa thật sự đi trên Mã Pí Lèng.

Hạnh phúc không bao giờ là đủ nếu người ta còn quá nhiều nỗi khát khao. Tôi sẽ trở lại Hà Giang, trở lại Đồng Văn để lại đi trên Mã Pí Lèng. Tôi sẽ đi thật chậm để cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc mà hơn 2 vạn thanh niên ngày đó đã mang đến cho mảnh đất này và thế hệ mai sau.

 
Cao nguyên đá Đồng Văn nhìn từ Mã Pí Lèng chẳng khác nào thiên đường - Ảnh: H. Lân


Sương tan dần, những dãy lụa mỏng vắt trên cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra - Ảnh: M. Châu


Luồn hết qua hẻm núi này lại ngoặc qua con dốc nọ... - Ảnh: T.Kim


... rồi dần hiện ra dưới nắng thu vàng - Ảnh: T. Kim


Bên trên, Mã Pí Lèng vắt hờ hững một sợi chỉ mỏng manh bên sườn núi - Ảnh: B. Long


Bên dưới vực thẳm, dòng sông Nho Quế xanh biếc lặng lẽ len mình - Ảnh: T.Kim


Có cả một con đường uốn khúc, đẹp như thơ - Ảnh: T.Kim


Bia đá kỉ niệm đặt trên đỉnh Mã Pí Lèng. Ảnh: T.Kim


Bia đá ghi lại những số liệu lịch sử thi công con đường Hạnh Phúc được đặt tại thị trấn Mèo Vạc - Ảnh: T.Kim


Các thành viên trong CLB Du khảo TPHCM ở trạm dừng chân trên dốc Mã Pí Lèng - Ảnh: H. Lân

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.