Theo Bloomberg, tại London (Anh), những người Trung Quốc từng háo hức mua các căn hộ mái bằng thuộc tòa tháp cao nhất thành phố cách đây ba tháng hiện chật vật để chuyển tiền mua nhà. Ở Thung lũng Silicon (Mỹ), hãng Keller Williams Realty cho biết các yêu cầu mua nhà đến từ Đại lục giảm từ đầu năm nay. Đến Sydney (Úc), các nhà phát triển đang phải đối mặt với “vấn đề lớn” vì người mua nhà Trung Quốc hạ nhu cầu, theo hãng tư vấn Basis Point.
“Mọi thứ đã thay đổi vì chuyện gửi tiền ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn”, nhà môi giới bất động sản Coco Tan tại Keller Williams ở bang California (Mỹ) nói.
Chưa đầy một tháng kể từ khi Trung Quốc thông báo các biện pháp kiềm chế mới với những khoản thanh toán ra nước ngoài, báo cáo từ các nhà môi giới, chủ sở hữu nhà và nhà phát triển bất động sản cho thấy “cơn sốt mua sắm” bất động sản lớn nhất thế giới đang bị ảnh hưởng. Dù không ai dự báo nhu cầu tậu nhà của dân Trung Quốc sẽ sớm biến mất, những biện pháp của chính phủ đang làm nản lòng những người lần đầu tậu nhà ngoại quốc. Đây là các cá nhân không có nhiều tài sản ở nước ngoài hay có khả năng xoay sở trước tình hình vốn bị kiểm soát chặt.
“Nếu quá khó thì tôi bỏ”, ông Zheng, 66 tuổi, một công chức về hưu tại Thượng Hải cho hay. Ông có thể bỏ căn nhà 2,4 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 349.000 USD, đang tính mua tại miền tây thành phố Melbourne (Úc), ngay cả khi đã gửi 300.000 nhân dân tệ tiền cọc hồi cuối tháng 8.2016. Ông Zheng còn một đợt thanh toán tiền mua nhà lớn vào tháng 2.
Điều khiến ông Zheng và nhiều người khác e ngại là tuyên bố mà Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đưa ra hôm 31.12, vài giờ trước khi cơ quan này tái thiết hạn ngạch ngoại tệ thường niên cho công dân Đại lục. Một trong các yêu cầu mà SAFE đặt ra là toàn bộ khách mua nhà phải ký bản cam kết rằng họ sẽ không sử dụng hạn ngạch 50.000 USD tiền chuyển ra nước ngoài để đầu tư bất động sản ngoại quốc. Người vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi của chính phủ, từ chối quyền tiếp cận với ngoại tệ trong ba năm và có khả năng bị điều tra rửa tiền.
“Rất nhiều khách hàng đang lo lắng và bắt đầu do dự”, Wang Ning, Phó chủ tịch bộ phận quốc tế của hãng Fang Holdings, công ty điều hành trang web bất động sản nổi tiếng nhất Trung Quốc, cho hay. Dù giới chức Đại lục từ lâu cấm dùng ngoại tệ mua bất động sản, việc đòi hỏi thêm nhiều giấy tờ gần đây là tín hiệu cho thấy chính phủ đang nghiêm túc trong việc kiểm soát.
Tại tòa nhà The Spire 67 tầng với tầm nhìn bao quát dòng sông Thames ở London (Anh), các căn hộ được bán với giá từ 595.000 bảng Anh, tương đương 751.900 USD. Những người mua tiềm năng của nơi này đang lo ngại về quy định mới. Chưa đầy 70% khách hàng đã ký hợp đồng tậu nhà năm ngoái thực hiện khoản thanh toán đầu tiên. Những khách mua còn lại đang đối mặt với “nhiều vấn đề”, nhà phát triển bất động sản Greenland Holdings tại Thượng Hải cho hay hôm 12.1.
Ngoài ra, đợt tậu nhà tại Úc của người dân Trung Quốc có thể giảm đáng kể vì quy định mới của chính phủ, Basis Point, hãng tư vấn chuyên giải quyết mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước, cho hay. Úc nhận 24 tỉ đô la Úc, tương đương 18,1 tỉ USD đầu tư bất động sản từ Trung Quốc trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.2015. Đây là giai đoạn gần nhất có sẵn số liệu và đến nay, Trung Quốc là nguồn khách mua nước ngoài lớn nhất của bất động sản Úc.
Bức tranh hoàn chỉnh hơn về nhu cầu tậu nhà của người Trung Quốc sẽ xuất hiện sau kỳ nghỉ tết âm lịch, thời điểm những người giàu thường kết hợp chuyến đi “săn” bất động sản nước ngoài với ngắm cảnh.
tin liên quan
Trung Quốc tạo 'cơn bão mua sắm' 207 tỉ USD trên thế giới ra sao?Một thế hệ các nhà đàm phán về thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) mới, hiểu biết hơn đang nổi lên ở Trung Quốc.
Bình luận (0)