Theo CNN, giữa bối cảnh cực kỳ biến động, bảng Anh (GBP) vừa giảm hơn 11% đến dưới mức 1 GBP ngang giá 1,33 USD, thấp nhất kể từ năm 1985. Đồng euro (EUR) cũng sụt giá rất mạnh.
Với hơn 85% số phiếu được kiểm, hãng tin CNN dự đoán rằng chiến dịch Rời đi sẽ giành chiến thắng. Các phương tiện truyền thông hàng đầu nước Anh cũng gọi kết quả là Brexit.
Tâm trạng hoảng sợ gây nên biến động lớn trên các thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 7,6%, Hang Seng của Hồng Kông hạ 4,7%.
Giới đầu tư “đua nhau” chạy về những tài sản trú ẩn an toàn như yen Nhật, đồng tiền tăng giá mạnh so với đô la Mỹ. Giá vàng tăng khoảng 6%.
Cổ phiếu các ngân hàng Anh được giao dịch ở Hồng Kông chịu ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu HSBC hạ 11%, cổ phiếu Standard Chartered lao dốc hơn 12%. Trước đó, hàng loạt nhà băng lớn như Deutsche Bank, HSBC, JPMorgan Chase và Citibank đều lên tiếng cảnh báo về khả năng di dời hoạt động và công ăn việc làm ra khỏi Anh, nếu nước này chọn Brexit.
Tài chính là một ngành cực kỳ quan trọng với Anh. Ngành dịch vụ tài chính chiếm khoảng 8% nền kinh tế Anh, và gần 4% - tương đương 1,2 triệu - việc làm ở Anh. Các nhà băng lớn xem Anh là bàn đạp cho hoạt động kinh doanh của họ ở châu Âu. Trường hợp Brexit làm tách rời mối liên kết này.
Tất cả dấu hiệu trên thị trường đều chỉ đến một đợt lao dốc cổ phiếu các ngân hàng toàn cầu ở châu Âu và Mỹ. Thị trường thế giới đang ở trong chế độ khủng hoảng, chạm mức thấp mới. Thị trường Anh sẽ mở cửa giao dịch vào 8 giờ sáng 24.6 giờ địa phương.
|
“Các thị trường đã đặt cược vào chuyện Anh ở lại EU trong vài ngày qua và khi kết quả đầu tiên được công bố, tình hình đảo ngược”, nhà kinh tế kiêm cựu quan chức chính phủ Anh Vicky Pryce cho biết.
Bà Vicky Pryce đã theo dõi kết quả trưng cầu dân ý tại Trường Kinh tế London (LSE), nơi mà tâm trạng nhiều người đang rất lo lắng. Hầu hết những người có mặt, và hầu hết giới chuyên gia kinh tế, muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Họ lo ngại Brexit có thể làm tổn thương kinh tế Anh, làm giá cả bảng Anh sụt giảm.
“Tôi vừa nhìn thấy tiền lương của mình bốc hơi”, Giáo sư kinh tế và chiến lược Luis Garicano tại LSE nói, nhắc đến chuyện bảng Anh lao dốc sau khi kết quả được đưa ra.
Lo ngại về chuyện Anh “chia tay” EU đã và đang gây hỗn loạn trên thị trường quốc tế những tuần gần đây. Chỉ số FTSE 100 biến động dữ dội, GBP biến động mạnh hơn cả những ngày khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.
Nước Anh ghi nhận số lượng cử tri kỷ lục đi bỏ phiếu về việc đất nước nên đi hay ở lại EU. Các cuộc vận động Rời đi và Ở lại chia đôi lòng cử tri Anh.
Những người vận động Brexit cho hay Anh chỉ có thể kiểm soát xuất nhập cảnh nếu rời khỏi EU, nhấn mạnh phong trào tự do của người dân khối 28 nước. Những người ủng hộ Anh ở lại EU cho rằng việc rời khỏi khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho nền kinh tế.
tin liên quan
Nước Anh rời EU: Bảng Anh rơi xuống đáy 31 nămGiá trị đồng bảng Anh (GBP) vừa chạm mức thấp nhất 31 năm khi người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, trong một cuộc trưng cầu lịch sử.
Bình luận (0)