Vừa qua, hàng loạt dự án khởi nghiệp trong nước đã nhận được dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư ngoại, nhưng các quỹ đang có mặt ở VN lại cho rằng không dễ gọi thêm vốn ngoại.
Cần giải quyết những rào cản để thu hút thêm vốn từ nước ngoài - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Gần đây, hàng loạt dự án khởi nghiệp khác như chuỗi cà phê The Kafe nhận khoản đầu tư 5,5 triệu USD từ Quỹ Cassia Investment của Hồng Kông và một số nhà đầu tư mạo hiểm của Anh. Hay Lozi, một ứng dụng di động để gọi món ăn trực tuyến, nhận vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan; Dịch vụ nạp tiền điện thoại OnOnPay cũng được Quỹ đầu tư mạo hiểm Captii Ventures rót vốn… Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang gia tăng sự hiện diện tại VN.
Mới nhất vào ngày 8.3, Quỹ đầu tư 500 Starups của Mỹ công bố dành nguồn vốn 10 triệu USD để đầu tư từ 100 - 150 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp VN. Ông Dave McClure, nhà sáng lập quỹ này, nhận định VN có tiềm năng lớn phát triển và đang trong giai đoạn đầu của các quỹ đầu tư. Nhìn chung các quỹ đầu tư mạo hiểm đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường VN và cơ hội gọi vốn ngoại cho các DN nội rất cao.
Chậm mở rộng
Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital, ban lãnh đạo của DN khởi nghiệp là yếu tố then chốt nhất. Chỉ những người đã có kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn lớn từ 5 - 10 năm mới dễ thành công khi khởi nghiệp và khi đó cũng dễ thu hút được vốn ngoại hơn.
“90 - 95% các dự án khởi nghiệp thất bại. Vì vậy các bạn sinh viên mới ra trường đừng nên có ảo vọng nhanh chóng thành công với các dự án của riêng mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Tuấn, nhận định: VN hiện là điểm sáng trong khu vực vì kinh tế các nước đang xấu đi. Thế nhưng điều quan trọng nhất là nhà đầu tư ngoại muốn mua được cổ phiếu ở VN thì rất khó. Bởi những DN được đánh giá là tốt thì đã đầy “room” (tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài). Ông Tuấn nhấn mạnh: “Thời điểm hiện tại vẫn khó khăn để huy động thêm vốn đầu tư từ bên ngoài. Vấn đề của VN không phải là ở vĩ mô. Thị trường VN có tiềm năng nhưng giống như cô gái đẹp chỉ ngắm hoài mà không làm được gì thì nhà đầu tư cũng chán và bỏ đi chỗ khác. Vì vậy việc dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào VN trong thời gian tới như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc Chính phủ muốn làm gì”.
Đồng quan điểm trên, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management, cho rằng quá trình mở rộng thị trường chứng khoán VN quá chậm. Việc mở room cho nhà đầu tư ngoại chỉ lác đác ở 1 - 2 DN được đánh giá tốt là không đáng kể. “Những hạn chế của thị trường VN vẫn còn đó trong khi ảnh hưởng kinh tế toàn cầu khiến xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có VN đã và đang còn diễn ra. Bên cạnh đó, VN cũng có nhiều đối thủ trong khu vực như Malaysia, Myanmar... Những cơ hội từ Hiệp định TPP chưa diễn ra mà đó chỉ là sự kỳ vọng. Việc gọi vốn ngoại vào VN lúc này không dễ. Việc có những khoản đầu tư vào các đơn vị khởi nghiệp là tốt cho nền kinh tế nhưng thường rất nhỏ, không đáng kể”, ông Louis Nguyễn phân tích.
Bình luận (0)