Khắp các thành phố lớn ở Việt Nam, những doanh nhân trẻ đang phá vỡ cái khuôn của sự bảo thủ, thử nghiệm với việc mở doanh nghiệp của riêng họ, trang Channel NewsAsia viết.
CEO Google Sundar Pichai gặp gỡ Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird tại Hà Nội - Ảnh: Google |
Một công ty hỗ trợ tài chính cho các doanh nhân trẻ Việt Nam là Hatch!. Mạng lưới này là vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), những công ty cung cấp một loạt sản phẩm và dịch vụ, từ hệ thống đặt phòng khách sạn, quần áo may đo cho đến khảo sát trực tuyến và thức ăn cho cá.
“Vào năm 2013, khi chúng tôi bàn về Hatch!, và bắt đầu làm điều gì đó cho cộng đồng start-up, thực sự vẫn chưa có hoạt động nào dành cho doanh nhân hoặc những công ty khởi nghiệp”, anh Pham Quoc Dat, giám đốc công ty đặt trụ sở tại Hà Nội chia sẻ. Đó là một bức tranh khác với hiện tại, khi mà các sự kiện và hoạt động được đánh dấu kín lịch của Hatch!.
Về phía các doanh nhân, không phải tất cả họ đều bắt đầu kinh doanh vì bị thúc đẩy bởi lợi nhuận. Anh Nguyen Tai Tue, người đang phát triển một ứng dụng để người dân báo cáo các vấn đề y tế công cộng và môi trường đến cơ quan chức năng, cho hay: “Đa số bạn bè của tôi làm việc trong khu vực tư nhân. Họ không làm việc với chính quyền. Họ hiểu cách hệ thống làm việc. Vì vậy, họ cố gắng hết sức mình để tham gia một công ty hoặc xây dựng doanh nghiệp riêng để tạo ra giá trị tốt nhất cho cộng đồng”. Anh Nguyen 27 tuổi và là quản lý dự án tại NOTA.
Những người trẻ như anh Tue là một trong các yếu tố dẫn đến sự bùng nổ khởi nghiệp tại Việt Nam. Thực tế, theo ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Central & Eastern European Chamber of Commerce Vietnam, sự bùng nổ trên chỉ mới bắt đầu.
Số liệu thống kê chính phủ cho thấy số lượng doanh nghiệp mới đăng ký đã đi lên và xuống trong những năm qua, chưa có xu hướng rõ ràng, nhưng trong 11 tháng đầu năm 2015, có 87.000 công ty mới ra đời. Các nhà chức trách đang mong đợi con số này lên cao kỷ lục trong cả năm 2015.
Dù vậy, tính trung bình, có khoảng 77.000 công ty ngưng hoạt động mỗi năm kể từ năm 2011 đến nay. Đối với những doanh nghiệp vẫn còn hoạt động, nguồn vốn là một thách thức.
Ông Bundik cho hay: “Chúng tôi không có mạng lưới cấp vốn mạo hiểm tốt, và cũng có rất ít các công ty ăn nên làm ra. Chúng tôi chỉ vừa có mạng lưới đầu tiên trong năm nay. Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng cần nhận được hỗ trợ. Họ cần quy định, khung pháp lý rõ ràng”. Việt Nam được xếp hạng 90 trong danh sách các nước dễ dàng cho việc kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) sau Malaysia, Thái Lan và Brunei.
Dù vậy, những doanh nhân như anh Pham không hề bối rối. “Ngay cả với bố mẹ tôi, những người không biết gì về công nghệ, tôi cũng có thể thấy được những thay đổi, lối nghĩ mới, khả năng chấp nhận các ý tưởng mới. Tôi nghĩ đây là lợi thế cho chúng tôi vì dù chúng tôi chưa đạt được đến mức đó, nhưng chúng tôi sẽ đạt được và đạt đến nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới”, Pham chia sẻ.
Anh Pham còn cho hay khả năng thích ứng, nhìn về tương lai và sự lạc quan là những gì mà giới doanh nhân đang có để thay đổi hiện trạng môi trường kinh doanh Việt Nam, vốn còn có thể cứng nhắc trong pháp luật và hành chính.
Bình luận (0)