Trung Quốc hưởng lợi lớn từ Brexit

25/06/2016 13:51 GMT+7

Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đang kéo theo rất nhiều bên thua cuộc. Song giữa cảnh hỗn loạn, Trung Quốc nổi lên là nhân tố giành chiến thắng lớn.

Theo nhà báo Michael Schuman của hãng tin Bloomberg ở Bắc Kinh, tác giả quyển Khổng Tử và thế giới do ông tạo nên, chuyện Anh “chia tay” EU, hay Brexit, đang gây nên nhiều hỗn loạn, từ ngành công nghiệp tài chính ở London, đồng bảng Anh (GBP) cho đến việc Thủ tướng Anh David Cameron từ chức và sự hội nhập của Âu châu. Song giữa rất nhiều bất ổn và sự thiếu chắc chắn nổi lên một cái tên thắng lớn: Trung Quốc.
Về ngắn hạn, hiển nhiên nền kinh tế đang khá chật vật của Trung Quốc có thể chịu ít nhiều tác động từ bất ổn ở EU - đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này. Một thị trường châu Âu nhỏ hơn, ít bình ổn hơn và có nhiều người tiêu dùng kẹt tiền mặt hơn không phải là tin tốt với xuất khẩu Đại lục. Dù thế, về lâu dài, Brexit chắc chắn đem lại lợi ích kinh tế lẫn chính trị cho quốc gia châu Á.
Ngay cả khi hòa hợp trọn vẹn, gánh nặng khủng hoảng nợ, chi phí cao, tình trạng quan liêu và đôi khi là sự cạnh tranh thiếu minh bạch là những yếu tố khiến EU gặp khó trong việc cạnh tranh với Trung Quốc. Giờ đây, khi một thể thống nhất không còn như xưa, EU chỉ có một con đường là bị giảm vị thế đối trọng với Đại lục trên trường quốc tế.
Một nhà đầu tư làm việc dưới chiếc màn hình phát tin về cuộc trưng cầu dân ý ở Anh Reuters
Hãy nhớ lại vì sao Liên minh châu Âu thành hình. Những người ủng hộ việc các nước bắt tay với nhau muốn nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình, dân chủ của EU. Thực tế hơn, mục tiêu quan trọng của sự hợp nhất là tăng cường ảnh hưởng của khu vực trong nền kinh tế thế giới.
Các quốc gia EU hiểu rằng họ sẽ mạnh hơn rất nhiều so với khi đứng riêng lẻ nếu họ có chung thị trường, chung nhiều định chế, thậm chí là chung đồng tiền euro. Châu Âu kỳ vọng có thể tiến lên từ một nhóm nước giàu có nhưng hay tranh cãi, trở thành khối kinh tế khổng lồ sánh ngang Mỹ, và mới đây nhất là Trung Quốc.
Thực tế cho thấy châu Âu gặp nhiều trở ngại trong việc hiện thực hóa ý tưởng trên. Chủ nghĩa dân tộc dai dẳng nhiều lần giới hạn khả năng của EU trong việc tạo ra sân chơi chung trên cả mặt địa chính trị lẫn thương mại.
Không nơi đâu thất bại này lại dễ thấy hơn là trong quan hệ giữa châu Âu và Đại lục. Là một khối toàn diện, EU về lý thuyết nên sử dụng sức mạnh đáng kể của họ, buộc Bắc Kinh phải mở cửa các thị trường và chơi công bằng trong thương mại. Tuy nhiên, các nước EU phí hoài lợi thế bằng cách cạnh tranh với nhau để giành đầu tư và ưu đãi từ Trung Quốc.
Đơn cử, không lâu sau khi Thủ tướng Anh thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có mặt ở Bắc Kinh, tìm kiếm cơ hội làm ăn cho riêng nước Đức. Cơ hội phân chia và chinh phục của Trung Quốc - trong cả việc tìm kiếm mặc cả tốt hơn lẫn hạ bớt phàn nàn về hành vi bóp méo thị trường của họ - giờ đây sẽ chỉ tăng lên khi nền kinh tế lớn thứ nhì EU rời đi.
Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình AFP
Giới doanh nghiệp châu Âu chắc chắn được hỗ trợ tốt hơn nếu EU có chung chính sách đối với Trung Quốc. Khi giới doanh nghiệp Đại lục “tưng bừng mua sắm” ở châu Âu, thậm chí vung tiền mua cổ phần trong các câu lạc bộ bóng đá được yêu thích, bà Merkel, trong một chuyến thăm gần đây đến Bắc Kinh, cho hay các công ty ngoại xứng đáng “hưởng quyền và đặc quyền giống như các doanh nghiệp nội” của Trung Quốc.
Nếu như bà Merkel, ông Cameron và các lãnh đạo châu Âu khác khoác tay và cùng đấu tranh vì lợi ích của nhau, họ đã có thể có cơ hội cao hơn để thành công.
Hiện giờ, thay vì chiến thắng, một thị trường chung châu Âu nhỏ đi sẽ xén bớt sức cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp khu vực. Giới doanh nghiệp EU, từ các nhà băng lớn đến các hãng công nghệ khởi nghiệp, lẽ ra hưởng vị thế cao hơn nhiều khi thách thức các nhà vô địch đến từ Trung Quốc nếu họ tận dụng được thị trường châu Âu rộng lớn, toàn vẹn.
Bằng lá phiếu chọn rời đi, cử tri Anh thể hiện góc nhìn "thiển cận" đáng tiếc của họ về cách thế giới đang thay đổi và độ khó mà một nước có tầm nhìn toàn cầu nhưng độc bước phải đối mặt. Với Brexit, Anh và EU mất đi nhiều hơn là quan hệ đối tác. Họ mất đi cơ hội tốt nhất để có tiếng nói trong trật tự thế giới thay đổi chóng mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.