Xóa sổ sim 'rác'

01/11/2016 10:00 GMT+7

Theo cam kết của 5 nhà mạng, kể từ hôm nay (1.11), sim “rác” sẽ bị thu hồi. Người dân kỳ vọng cam kết này được thực hiện nghiêm túc, để họ không còn phải chịu cảnh tin nhắn rác khủng bố ngày đêm...

Sim “rác” được dùng để chỉ những sim kích hoạt sẵn để bán cho khách. Theo đó, vào cuối tuần qua, 5 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel ký cam kết chính thức triển khai việc thu hồi sim “rác” từ 1.11, có sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ TT-TT. Ngoài thu hồi sim “rác”, các DN này đều hứa sẽ triển khai một loạt biện pháp tăng cường để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước, xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định “sẽ kiểm tra giám sát việc thực hiện cam kết và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật”. Thời điểm chấm dứt sim “rác”, Bộ TT-TT đã ấn định trong Công văn 2509 theo sự chỉ đạo của Chính phủ, là ngày 31.12.2016.
Hàng triệu tin nhắn rác mỗi ngày


Thông tin thu hồi sim “rác” lập tức làm “dậy sóng” thị trường sim, thẻ vốn hoạt động rất bát nháo trong thời gian vừa qua. Hàng loạt các đại lý, điểm bán hàng xôn xao khi “số phận” những chiếc sim đã được kích hoạt sẵn chờ bán cho khách sẽ bị thu hồi. Choáng váng nhất là các điểm “tập kết” sim VIP lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng/chiếc nay có nguy cơ nhập kho. “Sim kích hoạt sẵn không đúng quy định vốn là nguồn kiếm cơm của hàng nghìn đại lý, nay thu hồi thì chắc chắn không ít cửa hàng sẽ sập tiệm”, chị Thủy, chủ một cửa hàng sim, thẻ trên đường Kim Mã (Hà Nội), than thở.

Theo thông tin chính thức của Viettel, hiện nay mỗi ngày ở VN có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim “rác”, những sim thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác, sai quy định.
Trong khi đó, thống kê của BKAV cho thấy VN có đến 14 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày, chủ yếu từ các sim rác. Nhiều đối tượng đã dễ dàng mua những sim này để gửi tin nhắn nặc danh, tin nhắn lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Sim rác không chỉ dẫn tới tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mà còn là công cụ của tội phạm, thậm chí khủng bố…
Thực tế, theo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, từ 1.6.2012 việc mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định, là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Thế nhưng đến tận thời điểm này, từ nông thôn đến thành thị, khắp hang cùng ngõ hẻm, kể cả trên mạng internet... đâu đâu cũng có thể mua được một chiếc sim đã kích hoạt sẵn, dễ hơn mua mớ rau, mà không cần CMND, thông tin hay địa chỉ. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra rất công khai, ai cũng biết là vi phạm pháp luật nhưng số DN, đại lý, kể cả chủ thuê bao bị xử lý rất hạn hữu. Còn truy cứu trách nhiệm hình sự thì không có trường hợp nào.
Cần xử nghiêm nhà mạng vi phạm


Nếu nhà mạng nào không làm nghiêm, cần phải xử phạt thật nặng, thu hồi giấy phép và truy cứu trách nhiệm

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, sim “rác” kèm theo tin nhắn rác được phát tán. Hiện nay cả nước có hơn 200 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) trên điện thoại di động, đây là các đối tác của hầu hết nhà mạng. Nếu trung bình mỗi ngày, một CP phát tán khoảng 1.000 tin nhắn rác thì số lượng tin nhắn mà cả 200 CP tung ra là vô cùng lớn. “Việc gửi tin nhắn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung mà còn mang về doanh thu lớn cho các nhà mạng”, ông Long nói. Bản thân các DN viễn thông cũng thường ăn chia lợi nhuận với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung theo tỷ lệ 50% - 50%, 55% - 45%, thậm chí là 60% - 40%. Đây là một trong những nguyên nhân sim rác, tin nhắn rác hoành hành lâu nay.
Việc xóa sổ sim “rác”, tin nhắn rác, theo các chuyên gia không khó. Tại nhiều quốc gia phát triển, tin nhắn rác không có “đất sống”. Đơn cử ở Mỹ, khi thuê bao ký hợp đồng với nhà khai thác đều phải cung cấp mã an sinh xã hội; Hàn Quốc sử dụng chế độ đăng ký số thuê bao để truy cập mạng; Nhật Bản năm 2000 quy định các thuê bao trả trước mới tham gia mạng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cho nhà khai thác. Từ năm 2005, Singapore bắt đầu áp dụng phổ cập hệ thống quét xác nhận thẻ chứng minh thư cá nhân ở các điểm công cộng và trên các phương tiện giao thông, qua đó bắt buộc những người sử dụng thẻ di động trả trước phải đăng ký các thông tin cá nhân… Hay tại Ấn Độ, khách du lịch được tặng những chiếc sim miễn phí, với điều kiện khách hàng có hộ chiếu, visa sẽ được sử dụng trong thời hạn được phép lưu trú. Khi xuất cảnh, ngay lập tức chiếc sim đó bị tiêu hủy. “Điều đó cho thấy việc thu hồi sim rác dễ như trở bàn tay. Quan trọng các nhà mạng có muốn làm hay không”, một chuyên gia nói.
Về phía DN, tại buổi lễ cam kết, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện cam kết, nhưng “vẫn băn khoăn” vì để thu hồi được sim đã kích hoạt không phải dễ, thậm chí rất khó khăn khi Viettel đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường. Còn ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT, tuyên bố ngay lập tức về chỉ đạo các đơn vị quyết liệt thực hiện. Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone, cũng hứa thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, làm nghiêm túc, trong sạch việc đăng ký, quản lý các thuê bao di động trả trước, tránh tình trạng như hiện nay, gây thiệt hại về kinh tế an ninh cho đất nước.
Theo các chuyên gia, những cam kết vốn chỉ là lời hứa, còn ràng buộc trách nhiệm để thực thi điều đó thì cơ quan quản lý phải cứng rắn, quyết liệt hơn. “Nếu nhà mạng nào không làm nghiêm, cần phải xử phạt thật nặng, thu hồi giấy phép và truy cứu trách nhiệm. Quãng đường từ miệng đến tay tưởng gần mà lại rất xa. Kinh doanh mà cứ hô hào, nhưng bản thân chạy theo lợi nhuận, ăn xổi ở thì coi thường chỉ đạo, xem thường khách hàng thì sớm muộn cũng bị xã hội lên án, thất bại. Làm hay không làm, làm đến đâu ở chính các nhà mạng”, PGS-TS Ngô Trí Long bình luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.