Ai bảo lớn rồi thì không chơi búp bê nữa?! Điều đó không đúng với một số tín đồ mê búp bê. Chỉ cần ngắm qua những con búp bê bằng gỗ đến từ xứ sở Phù Tang, hẳn bạn sẽ muốn… được sở hữu ngay!
Trò chuyện với chị Trần Thanh Hương (Hà Nội) mới biết búp bê Kokeshi quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chị. “Tôi thích những đồ vật đơn giản, thủ công, được làm bằng tay, vẽ tay tỉ mỉ và Kokeshi hội tụ tất cả những yếu tố đó. Mỗi con búp bê mang một ý nghĩa khác nhau trong cuộc sống hằng ngày, hoặc được vẽ những phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Khuôn mặt của mỗi búp bê cũng có những biểu cảm rất khác nhau và vì làm thủ công nên chẳng con nào giống con nào. Búp bê Kokeshi truyền thống mang nhiều ý nghĩa về văn hóa tâm linh độc đáo của địa phương, là biểu tượng cho sự an lành”, chị Hương cho biết.
|
|
Để có được bộ sưu tập “đếm không xuể” này, chị Hương phải nhờ đến cô con gái. “Tôi bắt đầu quan tâm và sưu tập búp bê Kokeshi từ hai năm trước, khi đó con tôi là bé Khuê Anh lúc đấy mới áu tuổi cũng rất thích búp bê Kokeshi. Từ 20 búp bê Kokeshi giờ đã có một bộ hơn cả trăm con. Tôi hay mua búp bê về tặng bé mỗi khi bé ngoan hay học giỏi. Hai mẹ con cùng có một niềm vui chung để chia sẻ, gần gũi với nhau hơn”, chị chia sẻ.
Hiện tại bộ sưu tập của chị Thanh Hương có đủ mọi chủng loại từ hình cô gái, em bé, đến ông bà già hay hình Daruma. Hầu hết những con búp bê này được chị Thanh Hương mua lại từ những cửa hàng chuyên bán đồ Nhật hoặc trên mạng, mua từ Nhật về và từ những người có cùng sở thích.
|
Theo tìm hiểu của chị Thanh Hương, người Nhật Bản sáng tạo ra búp bê gỗ và xem nó như một thành viên trong gia đình vì họ tin rằng những đứa trẻ chơi với những con búp bê này sẽ được che chở và khỏe mạnh. Và họ còn tin rằng chúng bảo vệ ngôi nhà khỏi hỏa hoạn.
|
Với bạn Na (trang Facebook Nadeshiko boutique tại TP.HCM) thì “không chỉ có búp bê Kokeshi, tất cả các linh vật may mắn của tôi đều được làm thủ công tại Nhật. Sau đó được xin dâng lễ cầu may mắn và bình an ở đền thờ (hoặc chùa với trường hợp của ông Daruma) xin hưởng những lời trì chú, mang theo những phúc lành bên mình, xong rồi mới được xin đưa về Sài Gòn để gá duyên gửi đến mọi người. Việc xin lễ này không phải chỉ là đưa lên đền thờ hay chùa rồi mọi người xúm vào đọc kinh, mà nghi thức nhiều hơn, thiêng liêng hơn và kính cẩn hơn rất nhiều”.
|
Giống chị Thanh Hương, anh Minh Nhân (TP.HCM) cũng mê búp bê. Tuy nhiên khác với chị Hương sưu tầm búp bê con gái, anh chỉ sưu tầm Kokeshi hình võ sĩ.
“Mỗi em búp bê hình võ sĩ có giá từ 10 triệu đồng trở xuống tùy theo họa tiết trên áo của các bé. Tôi mê búp bê này từ khi được bạn gái cũ mua tặng khi cô ấy có dịp đi Nhật. Tôi thường mua búp bê trên trang Amazon hoặc săn hàng trên các trang web về sưu tầm búp bê gỗ”, anh Minh Nhân chia sẻ. Được biết, hiện tại “gia tài” của anh Minh Nhân chỉ có chừng 15 bé búp bê gỗ hình võ sĩ, nhưng mỗi bé lại gắn với một kỷ niệm của riêng anh.
|
|
Thông thường những người sưu tập vẫn hay bán đi rồi nhượng lại đồ vật, nhưng chị Hương lại cho rằng: “Tôi sẽ không nhượng lại bộ sưu tập vì con tôi rất thích, bé sẽ thay mẹ chăm sóc cho các bạn búp bê và giữ cho các thế hệ sau. Khi cùng con mình sưu tầm một món đồ cũng là cách dạy bé về cái đẹp, văn hóa của một đất nước, tìm hiểu về đất nước con người Nhật để thấy những đức tính tỉ mỉ, cần cù chịu khó. Bé cũng sẽ cẩn thận biết giữ đồ đạc, nâng niu cái đẹp”.
Bình luận (0)