Ngày 11.7, Bộ TN-MT đã có buổi làm việc về tình hình triển khai các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai |
đức nhật |
Tham dự buổi làm việc có ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT cùng lãnh đạo các sở ngành tại Kon Tum.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh thời tiết nắng nóng, xảy ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực với tổng diện tích khoảng 93,84 ha. Tháng 9, 10 năm 2021 do ảnh hưởng bão số 5, 6 và mưa lũ đã làm chết 3 người, 136 nhà ở bị ảnh hưởng và khoảng 728 ha diện tích nông nghiệp thiệt hại. Nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở, trường học, trạm y tế bị hư hỏng nặng. Giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là trên 126 tỉ đồng.
Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều hạng mục, công trình và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng chưa được khắc phục do kinh phí lớn. Đây là những công trình cấp bách cần thiết đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa, nông sản của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn. Do đó UBND tỉnh Kon Tum đã báo cáo đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ 123 tỉ đồng để khắc phục các công trình hư hại do thiên tai.
Về công tác bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư vùng thiên tai, UBND tỉnh Kon Tum đã báo cáo và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho trên 2.500 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu. Các dự án có tổng kinh phí là 880 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là trên 857 tỉ đồng, vốn địa phương và nguồn vốn khác là trên 22 tỉ đồng.
Trong năm 2021 nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở tại Kon Tum bị hư hỏng nặng |
đức nhật |
Ngoài ra theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ năm 2021 đến nay tại khu vực H.Kon Plông (Kon Tum) ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên. Đặc biệt, trận động đất mạnh nhất vào lúc 12 giờ 54 ngày 18.4.2022, có độ lớn 4,5 độ richter.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, đánh giá hiện trạng tình hình động đất. Đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện triển khai lắp đặt 5 trạm quan sát động đất sớm để phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động động đất và vận hành an toàn công trình thủy điện.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT đề nghị, tỉnh Kon Tum cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng thiết bị điện thoại vệ tinh đối với khu vực dễ bị lũ chia cắt để nắm bắt thông tin, sẵn sàng phương án ứng phó.
Theo ông Thành, tỉnh Kon Tum cần chia sẻ bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với Tổng cục Khí tượng thủy văn để trao đổi, phục vụ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tốt hơn; tiếp tục nắm thông tin, đánh dấu thêm khu vực xung yếu cũng như các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm. Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo đầy đủ về việc tích nước của các công trình hồ, đập để bộ nghiên cứu quy trình trữ nước, tích nước phù hợp đối với công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bình luận (0)