Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã tổ chức đi đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó khi có động đất.
Người dân còn chủ quan lơ là
Bà Y Xuân (trú thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, H.Kon Plông, Kon Tum) cho hay, thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 4,7 độ richter, bà cảm thấy mặt đất rung lắc mạnh. Như nhiều người khác, bà liền chạy ra ngoài vì sợ vật dụng và mái nhà rơi xuống.
Tuy nhiên, việc động đất liên tục xảy ra khiến bà và người dân trong thôn quen dần và không còn quá lo sợ như thời gian đầu.
Sau nhiều trận động đất, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là |
đức nhật |
Theo ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng, thôn có hơn 100 hộ dân thường sống trên các đỉnh đồi cao. Vì vậy, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, đặc biệt là khi có rung chấn, luôn đe dọa. Nếu như thời gian đầu, người dân tỏ ra hoang mang thì hiện tại sau hàng trăm trận động đất, họ lại mang tâm lý chủ quan, lơ là.
"Chính quyền địa phương phải đến từng nhà để nhắc nhở người dân thay mái ngói thành mái tôn chắc chắn, tránh nguy hiểm mỗi khi động đất tạo ra rung chấn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm đưa ra nguyên nhân chính thức về động đất. Từ đó lên phương án để khắc phục, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân", ông A Hương nói.
Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, người dân địa phương có tập quán sống ở nhà đầm, chòi rẫy nên việc cập nhật thông tin về động đất và các phương pháp ứng phó còn hạn chế. Để người dân không chủ quan, lơ là, nhất là lúc động đất xảy ra, chính quyền xã luôn chủ động tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi và cập nhập nhanh thông tin về các trận động đất.
“Chúng tôi liên tục cử cán bộ đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với động đất. Địa phương cũng in nhiều tờ rơi hướng dẫn phương án ứng phó rồi dán tại các thôn làng. Chúng tôi cũng chủ động thông tin qua mạng Zalo, loa phát thanh và đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ việc xử lý khi có sự cố động đất", ông Nết cho biết thêm.
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng - nơi gần tâm chấn động đất |
đức nhật |
Theo ông Lê Đức Tín, Phó chủ tịch UBND H.Kon Plông, trong thời gian vừa qua, huyện đã tuyên truyền người dân ứng phó động đất theo phương châm 4 tại chỗ. Địa phương này cũng đang kiến nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng của động đất; đôn đốc thủy điện Thượng Kon Tum sớm hoàn thành việc lắp đặt các trạm quan trắc, phục vụ đo đạc, nghiên cứu về động đất để sớm cảnh báo cho người dân.
Đảm bảo an toàn hồ đập
Trong diễn biến liên quan, ngày 26.8, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành và đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất.
Trong đó, UBND các huyện, thành phố, nhất là H.Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình, kiểm tra đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất (nếu có), nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình động đất, cung cấp đầy đủ thông tin kịp thời đến người dân về dư chấn động đất và các thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Tỉnh Kon Tum yêu cầu các công ty thủy điện đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống khẩn cấp |
đức nhật |
Sở NN-PTNT, Sở Công thương phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện khắc phục sự cố, hư hỏng (nếu có). Nghiên cứu giảm tích nước hồ chứa thủy điện theo quy định để đảm bảo an toàn hồ đập. Chuẩn bị phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi phát sinh các tình huống hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh chủ động triển khai phương án ứng phó sự cố bất thường xảy ra, nhất là sự cố về động đất, dư chấn động đất. Đồng thời, có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình đập, hồ chứa và khu vực vùng hạ du. Đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống khẩn cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đảm bảo ứng cứu ngay từ giờ đầu phát hiện bất thường, đặc biệt là sự cố gây mất an toàn đập, hồ chứa nước. Khẩn trương xem xét phương án và tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý Địa cầu trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)