Nhiều ngày qua, người dân sống trên tuyến đường Lê Hồng Phong (TP.Kon Tum, Kon Tum) bày tỏ nỗi tiếc nuối khi những gốc cây cổ thụ bị chặt hạ để làm vỉa hè.
Nhiều hộ gia đình trên đường Lê Hồng Phong cho biết hàng cây đã tồn tại hơn 20 năm, việc chặt hạ hàng cây khiến cho nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Theo họ, nếu như chính quyền địa phương tổ chức di thực hàng cây này, khi làm vỉa hè xong thì trồng lại sẽ hợp lý hơn việc chặt hết đi rồi trồng lại cây khác.
Theo chị Trần Thị Kim Huyền, sinh sống trên đường Lê Hồng Phong, hàng cây này đã gắn liền với gia đình chị khoảng 20 năm nay. Vài ngày trước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Kon Tum đã tổ chức chặt hạ hàng cây để làm vỉa hè, chỉnh trang đô thị.
"Thời gian này là đỉnh điểm của mùa nắng nóng, hàng cây bị chặt khiến không khí càng nóng bức hơn", chị Huyền nói.
Một giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho hay, thời gian này đang là cao điểm của mùa nắng nóng. Trước đây có hàng cây ở trước cổng trường tạo bóng mát nên không khí còn dễ chịu hơn đôi chút. Từ ngày hàng cây bị chặt, không khí nóng bức hơn hẳn.
"Không còn hàng cây, nắng buổi chiều rọi thẳng vào trường nóng như lò lửa. Từ ngày hàng cây bị chặt nhà trường phải bật máy lạnh ở phòng tin học để học sinh và giáo viên học tập", giáo viên này cho biết.
Chờ cháu tan học, ông Lê Văn Sáu chia sẻ, trước đây mỗi khi đưa đón con em, phụ huynh hay đứng dưới gốc cây bàng cho đỡ nắng. Nay hàng cây trước trường bị chặt trụi nên không còn bóng mát nào để đứng chờ. Thời tiết Kon Tum hiện tại nắng nóng, nên chỉ cần đứng 5 - 10 phút ngoài trời là áo đã ướt đẫm mồ hôi. Các cháu tan học chờ cha mẹ đưa đón cũng phải đứng dưới nắng nên sợ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Theo UBND TP.Kon Tum, có khoảng 50 cây xanh có chiều cao trung bình 10 m, đường kính thân từ 0,5 - 1,2 m bị chặt hạ. Trong đó chủ yếu là cây phượng, me tây, bàng, muồng...
Số cây xanh bị chặt hạ nằm trong phạm vi thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh và hệ thống điện đường Lê Hồng Phong và đường Nguyễn Huệ (TP.Kon Tum). Sau khi chặt hạ, đơn vị thực hiện dự án sẽ trồng thay thế bằng các loại cây xanh phù hợp với chủng loại cây trồng trong đô thị.
Theo ông Mai Văn Trí, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Kon Tum, số cây bị chặt hạ là những cây quá to không thể di thực hoặc cây có rễ trồi lên bề mặt gây nứt vỉa hè, những cây bị bọng, rỗng ruột, mối mọt. Những cây này không thể di thực rồi đưa về trồng lại được, do đó buộc phải cắt hạ để triển khai dự án, sau khi hoàn thành sẽ trồng cây mới.
Cũng theo ông Trí, dự kiến sau khi hoàn thành dự án chỉnh trang đô thị, đơn vị sẽ triển khai trồng cây sao xanh vào vị trí những cây đã chặt trước đó. Cây sao xanh có tốc độ sinh trưởng nhanh nên sẽ mau chóng phủ bóng mát trên tuyến đường Lê Hồng Phong.
Bình luận (0)