Theo bà Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum), năm học 2023-2024, trường này có 720 học sinh (HS) với 28 lớp. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ có 25 giáo viên nên khó đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày. “Toàn trường đang thiếu 10 giáo viên đa môn. Vừa qua, nhà trường đề xuất lên Phòng GD-ĐT, UBND huyện để xin bổ sung 10 chỉ tiêu biên chế hoặc giáo viên hợp đồng đảm bảo nhu cầu dạy - học”, bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, trước khi bước vào năm học mới, 3 giáo viên xin chuyển công tác nên dẫn đến việc nhà trường thiếu 10 giáo viên. Nếu không được bổ sung chỉ tiêu thì Ban giám hiệu nhà trường sẽ phải thay phiên nhau đứng lớp để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tương tự, năm học 2023-2024, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà, Kon Tum) có 498 HS với 21 lớp. Với số HS này, hiện nhà trường vẫn đang thiếu 5 giáo viên.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, để đảm bảo việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã bố trí giáo viên đa môn dạy các môn đặc thù như mỹ thuật, thể dục, âm nhạc. Nhà trường rất mong muốn ngành giáo dục sớm phân bổ giáo viên về địa phương để đảm bảo công tác dạy học.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, trong năm học mới, toàn tỉnh có 359 trường mầm non và phổ thông công lập, 73 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số trẻ em, HS trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hơn 164.000 em, trong đó có gần 96.000 trẻ em, HS là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, tỉnh này có 11.863 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung, tăng thêm 319 biên chế.
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum vẫn đang thiếu 836 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 437, cấp tiểu học thiếu 237 giáo viên, cấp THCS thiếu 140 giáo viên và THPT thiếu 22 giáo viên.
Trước những khó khăn trên, Sở GD-ĐT Kon Tum đã đề xuất Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành T.Ư rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, quan tâm hơn nữa về chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề. Bên cạnh đó, hoàn thiện đồng bộ chính sách tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo cử tuyển, đào tạo theo Nghị định 116 là người người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn. Đồng thời, bổ sung chỉ tiêu, số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.
Bình luận (0)