Nỗi lo cà phê mất mùa vì nắng nóng kéo dài
Những ngày cuối tháng 4.2024, dọc tuyến đường dẫn vào xã Hà Mòn (H.Đăk Hà), nhiều vườn cà phê héo rũ từ lâu do nắng nóng. Những chiếc lá bắt đầu ngả vàng, đọt non bị cái nắng thiêu đốt đã quắt lại, khô cong.
Theo các chủ vườn, những đợt nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều vườn cà phê bị cháy lá, khô cành. Quả non cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng khiến năng suất bị giảm mạnh.
Sau những ngày nắng nóng, bà Nguyễn Thị Tư (trú xã Hà Mòn) ủ rũ nhìn vườn cây hơn 300 gốc cà phê 3 năm tuổi đang héo rũ. Vì không có nước tưới thường xuyên, một nửa vườn cà phê của bà Tư đã bị chết khô.
Xem nhanh 12h ngày 29.4: Xuất hiện kỷ lục nắng nóng
"Hơn 37 năm trồng cà phê, chưa năm nào tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng như vậy. Mỗi năm đến giai đoạn mùa khô, đập thủy điện Plei Krông sẽ tiến hành xả nước vào hồ chứa C3 để bà con lấy nước tưới tiêu. Nhưng năm nay lòng hồ đã trơ cạn nước vào đúng thời điểm nắng nóng kéo dài", bà Tư nói.
Ông Phạm Văn Tiệp (ở xã Hà Mòn) cho biết, thời tiết bất lợi khiến người trồng cà phê như ngồi trên đống lửa. Nắng nóng đang đe dọa đến năng suất, sản lượng của cây trồng.
"Cà phê bị cháy nắng chuẩn bị vứt đi rồi, cành cây cũng khô héo. Cành còn không nuôi được cành thì làm sao nuôi được quả. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì người nông dân mất trắng. Năm nay chắc chắn bị mất mùa", ông Tiệp than thở.
Hỗ trợ người dân kinh phí khoan giếng
Bên cạnh nỗi lo cà phê bị giảm năng suất, sản lượng, người dân còn lo ngại vườn cây bị ảnh hưởng lâu dài bởi thời tiết tiêu cực. Theo đó, từ tháng 2 đến nay, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao nhất đạt từ 35,5 - 37,4 độ C.
Trong khi đó, những hồ đập thủy lợi trên địa bàn H. Đăk Hà đã cạn kiệt nước từ lâu. Nhiều hồ chứa nhỏ chỉ còn lại phần "dung tích chết" như các hồ: Cà Tiên, 6A, 6B, C2, C3, C4, C19. Với lượng nước còn lại ở một số hồ chứa nhỏ, không đủ lượng nước phục vụ tưới cho diện tích cây cà phê trong thời gian tới.
Các hồ thủy lợi có dung tích lớn như hồ thủy lợi Đăk Uy cũng đang dần cạn kiệt. Hồ thủy lợi Đăk Uy có diện tích bề mặt 355 ha với dung tích trên 26 triệu m3, có sức tưới cho 2.516 ha cây trồng, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 65.000 người dân. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, mực nước còn lại trong hồ này chỉ còn khoảng 13,34%.
Theo ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà, huyện đã làm việc với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Kon Tum tìm phương án phân luồng, cân đối nước cho các tuyến kênh, chia ra cả ngày lẫn đêm để cứu hạn kịp thời. Trước đây, mỗi kênh phân luồng 1 tuần thì hiện nay phân từng ngày, từng đêm, từng giờ. Chỗ nào khô hạn trước thì cho tưới trước.
"Huyện cũng kêu gọi các hộ gia đình, các doanh nghiệp, nông trường bằng mọi nguồn lực phải cứu cho được diện tích cà phê. Đối với những khu vực nằm cách xa các đập thủy lợi thì tính toán phương án khoan giếng, nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí. Khi cây đã khô héo thì chắc chắn sẽ mất mùa, hiện huyện đang tiếp tục thống kê thiệt hại", ông Hà Tiến nói.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, tình trạng khô hạn, thiếu nước do nắng nóng đã xảy ra ở một số địa phương. Tính đến nay có khoảng 73,3 ha cây trồng các loại ở TP.Kon Tum và H.Đăk Hà bị khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Trong đó, TP. Kon Tum có 19 ha lúa; H.Đăk Hà có 51,4 ha cà phê, 3 ha lúa. Về công trình cấp nước sinh hoạt, đã xảy ra khô hạn ở 120 giếng, tương ứng khoảng 120 hộ dân và 1 điểm trường tiểu học bị thiếu nước.
Bình luận (0)