Ngày 24.8, Viện Vật lý địa cầu cho biết, trên địa bàn H.Kon Plông (Kon Tum) liên tiếp xảy ra 12 trận động đất.
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (H.Kon Plông, Kon Tum) khu vực gần tâm chấn |
Đức nhật |
Theo đó, chỉ trong ngày 23.8 trên địa bàn H.Kon Plông đã xảy ra 11 trận động đất.
Cụ thể, các trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ richter. Đặc biệt, trận động đất xảy ra vào khoảng 14 giờ 8 phút, có độ lớn 4,7 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Đây được xem là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay tại Kon Tum.
Đến sáng 24.8, vào lúc 1 giờ 21 phút lại tiếp tục xảy ra một trận động đất có độ lớn 2,5 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Hiện tại các ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã và đang rà soát, thống kê thiệt hại (nếu có) để có phương án hỗ trợ cho người dân.
Kon Tum: Trong 12 giờ xảy ra 12 trận động đất, chuyên gia nói gì? |
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận hàng trăm trận động đất. Đặc biệt, thời gian vừa qua những trận động đất có cường độ mạnh hơn. Trong đó, vào ngày 15.4 xảy ra một trận động đất có cường độ 4,1 độ richter, ngày 18.4 có cường độ 4,5 độ richter, ngày 23.8 là 4,7 độ richter.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn, Viện Vật lý địa lý địa cầu cho hay, hàng loạt trận động đất vừa qua tại Kon Tum là động đất kích thích.
Theo ông Phương, ở vùng này có 1 công trình thủy điện. Khi áp lực của hồ chứa nén xuống sẽ tạo ra sự bất ổn định, cộng thêm những đứt gãy nhỏ ở địa phương sẽ phát sinh ra những trận động đất nhỏ.
"Động đất kích thích có đặc điểm là không mạnh. Như trận mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum vừa rồi là 4,7 độ richter. Còn lại chỉ có độ lớn từ 2,9 - 3,5 độ richter. Đây hoàn toàn phù hợp với động đất kích thích. Các nhà khoa học đã tìm hiểu và xác định nguyên nhân liên quan. Tuy nhiên để dự báo được hoặc phòng chống động đất hiệu quả thì cần nhiều trạm quan sát động đất ở địa phương", ông Phương nói.
Theo ông Phương, tỉnh Kon Tum đã đề nghị các nhà máy thủy điện phải đầu tư xây dựng 5 trạm quan sát động đất xung quanh khu vực hồ chứa. Như vậy sẽ giúp cho các nhà khoa học có được dữ liệu đầy đủ hơn để có thể nghiên cứu hiện tượng động đất kích thích tốt hơn, phục vụ cho địa phương. Ông Phương cho biết thêm: "Nhiệm vụ trước mắt là địa phương cần đầu tư phương tiện, công cụ để ghi nhận số liệu động đất đầy đủ hơn. Bởi nếu không có nhiều trạm quan trắc thì sẽ bỏ sót, không có số liệu để có thể tính toán, dự báo được xu thế phát triển của dư chấn động đất tại địa phương".
Cũng theo ông Phương, động đất có độ lớn từ 4,5 - 4,7 độ richter là rất đáng lo ngại. Nó không chỉ gây hoảng loạn do rung chấn kèm theo tiếng nổ lớn mà các tỉnh xung quanh cũng cảm nhận được. Ngoài ra nó còn gây ra những thiệt hại về các công trình xây dựng. "Tuy không có tính hủy diệt nhưng nó có thể gây tổn thương đến tài sản và có thể là tính mạng của người dân. Cần phải quan tâm, cảnh giác đối với những trận động đất thế này", ông Phương khuyến cáo.
Bình luận (0)