Truyền cảm hứng về tình yêu hòa bình
Cuối cùng, sau bao ngày chờ đợi, bộ phim “reboot” về hình tượng King Kong với số tiền kinh phí 185 triệu USD của hãng Warner Bros. cũng bắt đầu được công chiếu tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Ngay trong những suất chiếu đầu tiên, tác phẩm đã nhanh chóng gây được tiếng vang nhờ vào những cảnh quay hùng vĩ và ấn tượng, không chỉ làm toát lên được vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên Việt Nam mà còn cho thấy được sự sáng tạo không giới hạn của ê-kíp và đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Dù chưa từng cầm trịch một bộ phim ''bom tấn'' nào mà chỉ từng gây chú ý ở Hollywood với tác phẩm độc lập The Kings of Summer (2013), nhưng đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã cho thấy được ông là một nhà làm phim có tầm nhìn rất hiện đại và bao quát. Toàn bộ phần hình ảnh cũng như thông điệp của Kong: Skull Island được xử lý khá hoàn hảo và ấn tượng. Từng dãy núi đá, từng con sông, từng vùng rừng núi với địa hình hiểm trở của Việt Nam đều được chuyển tải một cách chân thực và đẹp mắt lên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố về văn hóa trong một vài phân cảnh ở Việt Nam, Bangkok (Thái Lan)… cũng được đoàn phim trau chuốt khá kỹ. Nhìn chung, xét về chi tiết, Kong: Skull Island được chăm chút từng phần nhỏ một, không hề có một chút lỗi nào gây khó chịu với người xem.
|
Còn xét về tổng thể, Kong: Skull Island kế thừa được khá tốt tinh thần phản chiến và tiếng nói vì hòa bình của hình tượng King Kong vốn được nhiều khán giả yêu thích trong nhiều thập niên qua. Kong là một quái vật to lớn, đại diện cho mẹ thiên nhiên vĩ đại, hoang sơ và mang đậm tinh thần bản địa, còn loài người nhỏ bé tượng trưng cho những thế lực hiện đại, văn minh nhưng đôi khi lại “quá tay” trong việc khám phá trái đất, dẫn đến những cuộc xung đột đau đớn và đẫm máu. Trận đấu nằm ở đầu phim giữa Kong và đoàn máy bay trực thăng của lính Mỹ là một ví dụ tốt cho việc châm ngòi chiến tranh và những cuộc leo thang không hồi kết sau đó. Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, và một khi nó đã phát nổ, sẽ rất khó có thể để dập tắt nó.
Nhưng với sự thuần khiết bản năng và lòng dũng cảm đầy chở che của mình, Kong trong Kong: Skull Island đã cho thấy được nó là một tạo vật cũng chứa đầy lòng trắc ẩn. Và chính con người đôi khi vẫn có những nhân vật chứa đựng trong mình trái tim đầy yêu thương. Khi họ gặp nhau, chiến tranh sẽ kết thúc. Trong trường hợp của phim này, đó là khi cô nàng nhiếp ảnh gia phản chiến Mason chạm tay được vào gương mặt đầy sẹo của Kong. Không ai biết họ nghĩ được gì trong khoảnh khắc đó, nhưng ta biết, đó chính là khi Kong quyết định quay đi và cố hết sức để gìn giữ hòa bình cho vùng đất mình đang cai trị, bởi nó biết, dầu sao đi nữa vẫn còn có một đồng minh.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi cách làm phim đầy tính biểu tượng của Francis Ford Coppola trong Apocalypse Now (1979). Nhiều khung hình, nhiều cảnh dựng và nhiều cách xếp đặt bối cảnh của Kong: Skull Island sẽ khiến ta gợi nhớ đến tác phẩm này. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Apocalypse Now (1979) cho đến tận bây giờ vẫn được nhiều nhà phê bình xem là một trong những bộ phim phản chiến hay nhất mọi thời đại, mà tinh thần phản chiến lại chính là điều mà Kong: Skull Island đang cố gắng phục dựng lại. Trong một bối cảnh hiện đại mà cả thế giới gần như đã đình chiến với nhau, các nhà làm phim của Warner Bros. vẫn quyết định giữ nguyên tinh thần này, bởi có lẽ, họ tin rằng ở đâu đó vẫn có người cần tới nó, cần được truyền cảm hứng về tình yêu hòa bình. Và chính vì thế mà Kong: Skull Island sẽ được khán giả nhớ lâu hơn, yêu lâu hơn, mến lâu hơn cái vẻ ngoài bom tấn của nó.
|
Mãn nhãn, đẹp mắt nhưng còn nhiều thiếu sót
Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên đẹp mắt của Việt Nam với những cảnh quay được bấm máy ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, thì những cảnh đại chiến giữa Kong và loài thằn lằn xương sọ cũng cống hiến cho khán giả nhiều phân cảnh vô cùng “sướng mắt, đã tai”. Khi đến khảo sát những điều bí ẩn tại một vùng đất kỳ lạ, đoàn nghiên cứu của giáo sư Randa cùng một toán lính Mỹ tháp tùng đã bị rơi vào vòng xoáy chết người của những bí mật mà mẹ thiên nhiên từ lâu đang che giấu. Ở đó, họ liên tục phải đối đầu với những nguy hiểm, với những con trâu nước khổng lồ, những con chim ăn thịt người khát máu, những con nhện độc gớm ghiếc… Ngoài việc là một bộ phim kiểu cháy nổ bom tấn, Kong: Skull Island còn pha trộn với một chút màu sắc kinh dị và một chút hồi hộp theo kiểu phiêu lưu. Nhịp phim và kịch tính của tác phẩm này có lẽ phải được chấm ở thang điểm 10, bằng với số điểm dành cho phần hình ảnh của nó.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, bên trong Kong: Skull Island cũng chứa đựng nhiều thiếu sót đáng tiếc, phải nói là rất đáng tiếc, mà nhiều bộ phim bom tấn khác thường mắc phải. Đầu tiên, đó chính là một kịch bản với dàn nhân vật thiếu màu sắc và không có điểm nhấn. Tom Hiddleston và Brie Larson trong vai Trung úy James và nhiếp ảnh gia Mason được xem là hai nhân vật chính, là trung tâm của câu chuyện, nhưng kỳ thực cá tính của họ vô cùng mờ nhạt. Tom Hiddleston gần như không phát huy được khả năng diễn xuất vì nhân vật của anh gần như không đóng góp được gì quan trọng trong bộ phim. Ngoại trừ một quyết định duy nhất ở cao trào phim là cùng với hai nhân vật khác quay lại cứu Kong, thì xuyên suốt những cảnh quay còn lại anh thật mờ nhạt với những câu thoại đơn điệu và thiếu sức sống. Đây có lẽ là hậu quả của việc phải chia đất diễn cho quá nhiều nhân vật phụ, nên nhân vật của Tom Hiddleston rốt cuộc chỉ còn là một tổng thể nhỏ bé trong cuộc chiến gai góc này.
Có số phận chỉ khá hơn nhân vật của Tom một chút, nhân vật của Brie Larson xuất hiện nhiều hơn, nổi bật và dễ nhận ra hơn nhờ chiếc máy chụp ảnh luôn kè kè bên mình. Nhưng cô cũng chỉ có thế, giống Tom, chiếm giữ được ánh sáng trong một cảnh quay quan trọng duy nhất là khi cô chạm tay vào Kong, truyền lại cho Kong tình yêu và sự ấm áp của một người chuộng hòa bình. Nhưng chính bản thân cảnh quay này cũng không đủ sức nặng để tạo nên cao trào. Nói thẳng ra, là nó “chưa đã” và chưa làm hài lòng được sự chờ đợi của khán giả dành cho phân cảnh quan trọng này. Brie Larson vì thế mà cũng không có cơ hội thể hiện mình hết sức.
|
Trong dàn nhân vật phụ còn lại, thật buồn khi phải thừa nhận gần như tất cả đều mờ nhạt. Từ mỹ nhân Trung Quốc Cảnh Điềm cho đến những gương mặt gạo cội như John Goodman hay John C. Reilly, dù đất diễn ít nhiều khác nhau, nhưng vẫn phải chịu chung số phận mờ nhạt. Cá tính của họ quá nhỏ bé so với tinh thần tổng thể chung của bộ phim, nên không để lại được chút ấn tượng nào cả. Duy chỉ có Samuel L. Jackson với những phân đoạn thể hiện sự hiếu chiến, ánh mắt vằn lên tia giận dữ là có thể chinh phục được người xem. Đây có thể nói là nhân vật ấn tượng và được trau chuốt tốt nhất phim, dù hình tượng này cũng khá cũ kỹ và thậm chí còn hơi nhàm chán so với nhiều bộ phim khác.
Bên cạnh cách xây dựng nhân vật thiếu sức sống một cách đáng tiếc, cấu trúc kịch bản của Kong: Skull Island cũng gặp vấn đề khi câu chuyện được giải quyết hơi đột ngột. Cuộc giao tranh cuối cùng giữa Kong và thằn lằn xương sọ không được chuẩn bị kỹ càng. Nó đẹp mắt, mãn nhãn nhưng lại thiếu đi tính hồi hộp chờ đợi ở đoạn đầu, thiếu đi sự gay cấn của tĩnh lặng và thời gian để cả hai phe quan sát nhau. Cuộc chiến xảy ra khá đột ngột rồi kết lại cũng đột ngột khiến cho mạch phim phần cuối có phần hơi bị vụng. Đây cũng là một điều cực kỳ đáng tiếc ở Kong: Skull Island.
Nhưng dầu sao đi nữa, với mức độ đầu tư chừng ấy, với tinh thần phản chiến đẹp đẽ, với những hình ảnh tuyệt diệu của thiên nhiên Việt Nam thì Kong: Skull Island vẫn xứng đáng nhận được sự ủng hộ của khán giả. Các nhân vật của phim có thể không đáng nhớ, nhưng câu chuyện của phim thì khó lòng ai đã xem lại có thể quên được.
Bình luận (0)