Tiền lệ Kosovo Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự hình thành vùng đất ly khai Kosovo xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hồi thế kỷ 19. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra cuộc chiến tranh Kosovo từ năm 1996 tới 1999, vùng đất này mới tồn tại như một phần riêng biệt trong Nam Tư (mới). Và với chủ trương ly khai ráo riết của giới lãnh đạo gốc Albania tại đây, Kosovo đã đi đến việc đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia, vào ngày 17.2.2008. Gần như ngay lập tức sau đó, tuyên bố độc lập của Kosovo đã được 46 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania... thừa nhận. Trong khi đó, Serbia (tất nhiên!) và Nga cùng một loạt nước khác phản đối. Mỗi nước có một lý lẽ khác nhau để phản đối hoặc ủng hộ. Nhưng có một điều rõ ràng là ngay cả trước khi tuyên bố độc lập, Kosovo với đa phần là dân gốc Albania đã tồn tại như một thực thể riêng biệt trong lòng đất nước Serbia. Sau khi đơn phương tuyên bố độc lập, vùng đất rộng gần 11.000 km2 với dân số hơn 2 triệu người này đã làm cho mâu thuẫn giữa Nga và các nước phương Tây được dịp tăng lên. Nga một mặt phủ quyết các nghị quyết công nhận nền độc lập của Kosovo, mặt khác đưa ra lời cảnh báo rằng sự kiện liên quan đến Kosovo sẽ tạo ra tiền lệ cho các vùng đất ly khai khác trên thế giới. Báo International Herald Tribune vào ngày 22.2 dẫn lời ông Vladimir Putin, lúc đó là Tổng thống Nga, nói rằng chính các nước phương Tây sẽ bị “gậy ông đập lưng ông” khi công nhận Kosovo độc lập. Lúc đó, báo chí phương Tây đã dự báo đến khả năng Nga sẽ trả đũa bằng cách công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng đất ly khai tại Georgia, quốc gia tách ra từ Liên Xô trước đây nhưng giờ đã là đồng minh của Mỹ. Nga có trả đũa bằng cách này hay không thì chưa bàn tới, nhưng vào ngày 17.2, ngày Kosovo tuyên bố độc lập, phát ngôn viên Irina Gagloyeva của chính phủ ly khai Nam Ossetia đã phát biểu với hãng tin AP của Mỹ thế này: “Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có lý do chính đáng hơn Kosovo trong việc được cộng đồng quốc tế công nhận độc lập. Giờ đây phương Tây khó mà làm ngơ trước nhu cầu của chúng tôi”. Cũng trong ngày này, AP dẫn lời Phó tổng thống Raul Khadzhimba của Abkhazia nói rằng vùng đất này sẽ thúc đẩy các hành động để được công nhận độc lập, “trước hết là từ Nga”. Từ đó đến trước cuộc chiến tranh Nam Ossetia vừa qua, các lãnh đạo ly khai tại Abkhazia và Nam Ossetia đã không ngừng công khai ý muốn của mình. Abkhazia và Nam Ossetia Tỉnh Abkhazia nằm ở miền tây bắc Georgia, có đường biên giới chung với Nga, giáp Biển Đen. Vùng đất rộng hơn 8.400 km2 với khoảng 200.000 dân này đã tồn tại như một nước độc lập trên thực tế từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Abkhazia có chính quyền và lực lượng vũ trang riêng, được Nga ủng hộ. Tương tự, Nam Ossetia, rộng 3.900 km2 với 70.000 dân, cũng đã tồn tại như một thực thể riêng biệt trong lòng Georgia cách đây gần 20 năm, với sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Tính đến trước ngày 26.8 vừa qua, chỉ mới có Abkhazia, Nam Ossetia và Trans-Dniester (một vùng ly khai tại Moldova) thỏa thuận công nhận nền độc lập của nhau, chứ chưa có quốc gia thành viên LHQ nào công nhận các vùng đất này là những nước độc lập. Đến khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa một bên là Nga, Abkhazia và Nam Ossetia với bên kia là Georgia hồi đầu tháng 8, Nga đã công khai bày tỏ sự ủng hộ việc hai vùng đất ly khai này tách khỏi Georgia. Hãng tin Itar-Tass vào đầu tháng 8 dẫn lời ông Putin, giờ đã là Thủ tướng Nga, nói rằng “các vùng đất ly khai này không thể tái hòa nhập vào Georgia được nữa”. Câu chuyện về Abkhazia và Nam Ossetia đã đi đến một bước ngoặt quyết định vào ngày 25.8, khi hai viện thuộc Quốc hội Nga bỏ phiếu thông qua văn kiện công nhận nền độc lập của hai vùng đất trên. Đến ngày 26.8, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập. Sau đó, có tin Belarus cũng chuẩn bị có bước đi tương tự Nga. Trang tin Gazeta.ru hồi giữa tuần này cũng dẫn lời phát ngôn viên của Hamas tại Palestine cho biết lực lượng này “chào mừng sự kiện công nhận độc lập đối với Abkhazia và Nam Ossetia”. Trang tin News.com.au của Úc vào ngày 27.8 cho hay Ngoại trưởng Celso Amarim của Brazil nói rằng nước này “đang phân tích những diễn biến gần đây nhất” trước khi có tuyên bố chính thức. Ngoài các trường hợp trên, có một số nước khác “bày tỏ lo ngại sâu sắc” trong khi nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc, Đức... phản đối mạnh mẽ việc Nga công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia. Mối bất đồng quan điểm giữa Nga và phương Tây trong vấn đề mới nhất này đang dẫn tới một sự phân cực hết sức sâu sắc, xu hướng làm người ta lo ngại thế giới sẽ trở về thời Chiến tranh lạnh. Nước cờ chiến lược Mỹ ủng hộ Kosovo tách khỏi Serbia trong khi phản đối Abkhazia và Nam Ossetia tách khỏi Georgia. Còn Nga thì ngược lại, ủng hộ nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia trong khi phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo. Mỗi nước đưa ra những lý lẽ riêng để biện minh cho lập trường của mình. Nhưng có thể thấy, lập trường đối nghịch nói trên càng cho thấy mối xung khắc không dễ gì hóa giải giữa một bên là Nga và các đồng minh truyền thống, một bên là Mỹ và các nước phương Tây. Điều này cũng chỉ có thể được giải thích bằng sự mâu thuẫn trong lợi ích của các bên. Lợi ích đó là gì? Việc Nga công nhận độc lập và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao với Abkhazia và Nam Ossetia được coi là một nước cờ chiến lược của Điện Kremlin. Với việc hình thành “hai quốc gia” này, Nga sẽ có thêm những đồng minh nằm sát bên cạnh đồng minh Georgia của Mỹ. Sự liên kết với Abkhazia cũng giúp Nga kiểm soát một khu vực rộng hơn ở mạn đông và đông bắc Biển Đen. Đây là khu vực mang tính chiến lược vì là đầu mối của nhiều tuyến vận chuyển dầu khí, hàng hóa từ châu Á sang châu u. Gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực này cũng giúp Nga kìm hãm đà “đông tiến” của Mỹ và NATO. Mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Georgia cũng như các nước tách ra từ Liên Xô trước đây như Moldova, Azerbaijan sẽ đối mặt thêm nhiều thách thức. Mỹ cũng ủng hộ một nước Kosovo độc lập để làm yếu đi Serbia, quốc gia có truyền thống thân thiết với Nga. Việc Mỹ ủng hộ Kosovo hay Nga ủng hộ Abkhazia và Nam Ossetia còn có những ý nghĩa khác. Đó là các nước lớn này sẽ sử dụng quyết định ủng hộ các vùng đất ly khai nhỏ bé trên để làm quân cờ mặc cả trong các cuộc đàm phán quốc tế. Với Nga, quyết định ủng hộ Abkhazia và Nam Ossetia sẽ giúp họ trở nên “nặng ký” hơn trong việc “nói chuyện” với Mỹ về nhiều vấn đề, chẳng hạn như vấn đề Iran, vấn đề Kosovo, vấn đề Nga gia nhập WTO cũng như tiến trình đông tiến của Mỹ và NATO. Mỹ cũng sẽ sử dụng những nước cờ của mình để kìm hãm nỗ lực tái tạo tầm ảnh hưởng của Nga, vốn đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng thời “hậu Liên Xô”. Sau khi Kosovo, Abkhazia và Nam Ossetia được một số nước ủng hộ việc tuyên bố độc lập, nhiều người dân tại các vùng đất này đã đổ ra đường ăn mừng. Tuy nhiên, tương lai chưa chắc đã rạng rỡ như nét mặt của họ lúc đó. Từ việc được một số nước công nhận độc lập đến một nền độc lập hoàn toàn là rất xa. Mặt khác, một khi trở thành quốc gia độc lập (giả định), các vùng đất này nếu không xây dựng được sự tự chủ thực thụ, thì sẽ tiếp tục lệ thuộc vào các nước lớn, những nước mà họ coi là “ân nhân” trong hành trình đi tìm nền độc lập của mình. Thế nên, rất khó khẳng định rằng tương lai của các vùng đất ly khai này sẽ sớm tươi sáng. Đ.H
Kosovo, Abkhazia và Nam Ossetia
31/08/2008 10:53 GMT+7
Bình luận (0)