KTS.Ngô Viết Nam Sơn: Vì an toàn cộng đồng, nên thu hồi ngay giấy phép quán karaoke chỉ có 1 mặt tiền

14/09/2022 13:27 GMT+7

Theo dõi vụ cháy quán karaoke An Phú làm 33 người thiệt mạng, dưới góc nhìn về mặt kiến trúc, KTS.Ngô Viết Nam Sơn đánh giá thiết kế nội ngoại thất của công trình này không đảm bảo tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC. Ngay cả lối thoát hiểm ở đây cũng không phù hợp để thoát hiểm.

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners có những đánh giá về kiến trúc quán karaoke An Phú (Bình Dương) vừa xảy ra vụ cháy thảm khốc mới đây.

Lối thoát hiểm không phù hợp để thoát hiểm

* Thưa KTS, theo dõi các vụ việc cháy quán karaoke trong thời gian gần đây ông có nhận định gì về vấn đề kiến trúc ở các quán karaoke hiện nay?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn: Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi có biết được các vụ việc karaoke hỏa hoạn thời gian qua. Đáng chú ý, vụ cháy karaoke An Phú gây thiệt hại về người mới đây, là vụ việc hết sức đau lòng. Có nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc tòa nhà cần phải nói trong những sự vụ như thế này.

* Dưới góc nhìn của một KTS dày dặn kinh nghiệm, ông đánh giá như thế nào về kiến trúc quán karaoke An Phú?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn:

Tôi có theo dõi sơ đồ, kiến trúc của tòa nhà thông qua báo chí, không phải riêng tôi mà bất cứ các kiến trúc sư có kinh nghiệm đều có thể nhìn thấy rõ vấn đề cơ bản này, là không chỉ tầng 2 (tầng bị cháy - PV), mà cách bố trí phòng ốc, cầu thang, và thoát người của các tầng đều không đạt yêu cầu thiết kế PCCC cho nội ngoại thất công trình:

- Thứ nhất, chỉ có 1 lối thoát hiểm phía mặt tiền. Lối lên sân thượng không thể xem là lối thoát hiểm thứ hai, vì không có kết nối nào vào cầu thang thoát hiểm ngoài trời.

- Thứ 2, vị trí cầu thang không đảm bảo thoát hiểm cho khu hành lang cụt.

Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn, quán karaoke An Phú không đảm bảo tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC
lê lâm

- Thứ 3, công trình đóng kín, ít cửa sổ trong khi cả hai cầu thang đều mở, không có tường và cửa chịu lửa. Do đó, khi có cháy thì khói tuôn vào hai “cột ống khói này”, không thể nào dùng để thoát hiểm. Đây là vấn đề khoa học trong thiết kế.

Như vậy, nếu việc cấp giấy phép PCCC là đúng theo quy trình xét duyệt, thì các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC của chúng ta đang áp dụng cho các công trình kinh doanh đông người như karaoke trên cả nước, hiện đang có nhiều vấn đề cần phải được xem xét lại, có thể cần phải tham khảo thêm các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC của nước ngoài!

* Như vậy, quán karaoke phải được thiết kế thế nào về mặt kiến trúc để đảm bảo tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC, thưa ông?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn:

Nói về tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC, có rất nhiều. Tuy nhiên, tôi chỉ nói tới những yêu cầu sơ đẳng nhất trong thiết kế một quán karaoke đảm bảo việc PCCC về mặt kiến trúc.

- Thứ nhất, quán phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm ra không gian an toàn.

- Thứ 2, trong 2 lối thoát hiểm đó, phải có ít nhất 1 lối được thiết kế kín (ở karaoke An Phú, cầu thang được thiết kế mở), tường, cửa phải chịu lửa tối thiểu được 2 giờ, khi có vụ cháy xảy ra, thông qua cầu thang thoát hiểm, nạn nhân có thể di chuyển được xuống phía dưới. Bên trong cầu thang này, phải có máy phát điện dự phòng, khi cháy xảy ra thì đảm bảo đèn vẫn luôn sáng, và có hút gió thông thoáng (áp lực dương).

Áp lực dương này có thể hiểu đơn giản là khi cửa thoát hiểm được mở, khói vẫn không thể tràn vào bên trong vì luồng áp lực dương đẩy ra.

Theo tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC, các quán karaoke cần có ít nhất 2 lối thoát hiểm
lê lâm

Khi đảm bảo được yêu cầu này, dù trong trường hợp không thể thoát ra bên ngoài qua tầng trệt hay tầng thượng thì vẫn có thể ở bên trong an toàn 2 tiếng đồng hồ chờ lực lượng chức năng đến giải cứu.

- Thứ 3, quán cần phải có thiết bị báo cháy, báo khói, thiết bị chữa cháy tự động. Tôi nghĩ rằng nên bổ sung quy định 100% các công trình karaoke nên có thiết bị chữa cháy tự động sprinkler, hễ cháy là nước sẽ tự động phun nước để dập lửa.

Đảm bảo được những yêu cầu này, sẽ hạn chế được nguy cơ cháy nổ cũng như giảm thiệt hại về người, của khi hỏa hoạn xảy ra.

Quán karaoke cháy dữ dội ở Đồng Nai

Nhiều quán karaoke không đạt chuẩn

* KTS có đánh giá như thế nào về thiết kế kiến trúc của các quán karaoke nói chung ở Việt Nam hiện nay?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn:

Tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương nên rà lại tất cả các công trình karaoke trên toàn quốc.

Không riêng ở TP.HCM, tôi có dịp ra Hà Nội, Hải Dương… và nhận thấy các dạng thiết kế tương tự như karaoke An Phú rất phổ biến. Đa số các quán karaoke được thiết kế giống karaoke An Phú, ít cửa, có nhiều vật liệu dễ cháy trong đó. Đa số, các quán karaoke thuê nhà phố, và các tòa này chỉ có 1 lối thoát hiểm thôi. Không có nhiều quán karaoke có 2 lối thoát hiểm.

Và những thiết kế như vậy nếu có xảy ra hỏa hoạn thì rất khó để thoát thân.

Nếu nghiêm túc rút kinh nghiệm karaoke An Phú để không tiếp tục cho phép cách tổ chức PCCC tương tự, mà các karaoke và vũ trường trên toàn quốc đang áp dụng về xây dựng, chúng ta có thể cứu được rất nhiều sinh mạng.

Những thiết kế bí, kín ở karaoke An Phú khi xảy ra hỏa hoạn khiến nạn nhân khó chạy thoát thân
lê lâm

* Ông có đề cập đến việc các quán karaoke thuê nhà phố, và sau đó cải tạo lại thành karaoke để kinh doanh. Vậy theo ông, việc cải tạo này phải được đảm bảo như thế nào trong PCCC?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn:

Tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở đơn giản hơn so với các tiêu chuẩn khi mở một quán karaoke, bởi nhà ở không có quá nhiều người, còn karaoke tập trung hàng chục, thậm chí ở những quán đông là hàng trăm người. Tôi cho rằng, khi cải tạo lại thành quán, thì cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC.

Nên khuyến nghị các tòa nhà kinh doanh karaoke phải có tối thiểu 2 mặt tiền, tương ứng với lối thoát hiểm ra hai phía mặt tiền, và thu hồi ngay giấy phép tất cả các cơ sở karaoke trên toàn quốc, nếu được cải tạo lại từ nhà phố chỉ có 1 mặt tiền phía trước như karaoke An Phú.

Quán karaoke cần có hệ thống chữa cháy tự động
cao an biên

* KTS có lời khuyên nào cho các chủ quán karaoke trong việc thiết kế các công trình của mình đảm bảo an toàn PCCC?

KTS.Ngô Viết Nam Sơn:

Chủ quán phải có ý thức cao được trách nhiệm của mình trong việc tham khảo hướng dẫn thiết kế PCCC của chuyên gia đề làm cho đúng, đảm bảo an toàn cho khách, cũng là an toàn cho bản thân mình và nhân viên.

Tôi nghĩ trách nhiệm còn nằm ở các đơn vị quản lý cấp phép kinh doanh và cấp phép PCCC đối với các quán karaoke.

Như đã nói ở trên, nếu giấy phép PCCC được cấp cho karaoke An Phú thật sự hợp lệ, và đúng quy trình, thì tiêu chuẩn quy phạm làm nền tảng cho quy trình đó rất cần được xem xét lại hết với tư duy khoa học và đa ngành.

Nói vĩ mô hơn, theo quan điểm của tôi, đơn vị PCCC không nhất thiết phải nằm trong Bộ/Sở Công An, mà có thể tách hẳn ra thành một đơn vị độc lập, chuyên lo về phòng chống và ứng cứu đảm bảo an toàn cho người dân, không chỉ về mặt cháy nổ, mà cả về các nguy cơ khác như động đất, ngập lụt, sóng thần, sụt lún, cháy rừng, gió bão...

Ở nhiều nước, đơn vị PCCC có thể là một đơn vị hoàn toàn độc lập, có những chuyên gia về nhiều lĩnh vực cùng làm việc như xây dựng (thiết kế kiến trúc), kỹ thuật (điện, nước, thông gió…), luật pháp, một mặt để tư vấn cho người dân về PCCC, một mặt sẽ có những giải pháp chữa cháy kịp thời và hiệu quả.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trong Thông tư 147/2020 - Bộ Công An về Quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở kinh doạnh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường nêu khá chi tiết các quy định, Thanh Niên xin trích dẫn:

1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ như sau:

a) Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

b) Cơ sở cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.000 m3 phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

c) Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được bố trí trong nhà cao tầng, nhà đa năng bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Điều 6. Thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

1. Thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường nằm trong nhà, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP .

2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường quy định tại khoản 1 Điều này phải được thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Phải bảo đảm có khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy với các công trình khác theo quy định của QCVN 06:2020/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình” (sau đây viết gọn là QCVN 06:2020/BXD), trong đó cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bố trí liền kề với các công trình khác thì tường ngoài tiếp giáp với công trình đó là tường ngăn cháy loại 1 (REI 150) đối với nhà có bậc chịu lửa I, II, III và là tường ngăn cháy loại 2 (REI 45) đối với nhà có bậc chịu lửa IV. Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học thực hiện theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

b) Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; kết cấu xây dựng của công trình có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của công trình theo quy định tại QCVN 06:2020/BXD. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được xác định thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng là nhóm F2.2 theo quy định của QCVN 06:2020/BXD

c) Chiều cao lớn nhất cho phép của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập phụ thuộc vào bậc chịu lửa và được xác định tương ứng với nhóm các công trình công cộng, nhưng không vượt quá 16 tầng; không được bố trí quá tầng 16 khi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường nằm trong nhà công năng khác theo quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD; cho phép bố trí bên trong tầng hầm 1 hoặc tầng bán hầm khi tổng diện tích không lớn hơn 300 m2 và có ít nhất 02 lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài nhà.

d) Lối thoát nạn bảo đảm theo quy định của QCVN 06:2020/BXD.

đ) Số người lớn nhất trong một gian phòng, một tầng hoặc của ngôi nhà của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được tính toán với hệ số sàn là 1 m2/người....

g) Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn phải bảo đảm theo quy định của TCVN 3890:2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng” (sau đây viết gọn là TCVN 3890:2009 ), trong đó đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn được bố trí đến từng gian phòng của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;

h) Hệ thống chống tụ khói bảo đảm theo các quy định tại QCVN 06:2020/BXD và TCVN 5687:2010 “Thông gió điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế”.

i) Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động, lối vào từ trên cao của công trình phải bảo đảm theo quy định của QCVN 06:2020/BXD.

k) Hệ thống chữa cháy bảo đảm theo quy định của QCVN 06:2020/BXD, TCVN 3890:2009 , TCVN 7336:2003 “Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler - Yêu cầu thiết kế”, TCVN 5738:2001 “Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu thiết kế” (sau đây viết gọn là TCVN 5738:2001 ) và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy, cụ thể như sau:

Phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, định mức cụ thể quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

Hệ thống báo cháy tự động bảo đảm theo quy định của TCVN 5738:2001 . Chuông, đèn báo cháy hành lang tầng và bổ sung chuông báo cháy được bố trí bên trong từng gian phòng của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và hệ thống báo cháy kết nối liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh tại các phòng hát khi hệ thống báo cháy hoạt động trong trường hợp có sự cố cháy, nổ xảy ra;

Cường độ chữa cháy, diện tích chữa cháy của hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler đối với cơ sở kinh doanh vũ trường được tính theo cơ sở nguy cơ cháy trung bình nhóm III, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được tính theo cơ sở nguy cơ cháy trung bình nhóm I. Khi các gian phòng được ngăn cháy với nhau và ngăn cháy với hành lang bằng tường ngăn cháy loại 1 theo quy định của QCVN 06:2020/BXD thì cho phép căn cứ diện tích của gian phòng lớn nhất để tính toán lưu lượng, khối tích bể nước dự trữ cần thiết của hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler. Thời gian chữa cháy không được thấp hơn 60 phút;

Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà bảo đảm theo quy định của QCVN 06:2020/BXD và TCVN 3890:2009 . Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có vị trí cách trụ nước chữa cháy thuộc hệ thống cấp nước đô thị 100 m hoặc cách 150 m đối với sông, hồ, ao,... có bến lấy nước cho phương tiện chữa cháy thì không bắt buộc phải thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà;

l) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện và việc bố trí thiết bị này trong công trình phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại QCVN 12:2014/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng” (sau đây viết gọn là QCVN 12:2014/BXD), cụ thể như sau:

Hệ thống điện cấp cho các hệ thống phòng cháy và chữa cháy, hệ thống kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy bảo đảm theo Điều 2.3 và Điều 2.9 QCVN 12:2014/BXD;

Hệ thống điện được bảo vệ chống tác động nhiệt, chống quá tải, chống tĩnh điện theo quy định tại Điều 2.5 và Điều 2.6 QCVN 12:2014/BXD;

Hệ thống chống sét phải bảo đảm theo quy định tại Điều 2.8 QCVN 12:2014/BXD;

m) Về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan bảo đảm theo quy định của QCVN 06:2020/BXD, cụ thể như sau:

Tường ngăn giữa hành lang và các gian phòng phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó bắt cháy với giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 30 đối với nhà có bậc chịu lửa I và không nhỏ hơn EI 15 đối với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV.

Các gian phòng có diện tích từ 50 m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó bắt cháy;

Khu vực kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải được ngăn cách với các khu vực có công năng khác bằng tường và sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn RE1 45 đối với nhà có bậc chịu lửa IV; có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150 đối với nhà có bậc chịu lửa I, II, III.

3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, k, l và điểm m khoản 2 Điều này và các quy định của QCVN 06:2020/BXD, cụ thể như sau:

a) Khoảng cách từ đường giao thông có chiều rộng không nhỏ hơn 3,5 m, chiều cao không nhỏ hơn 4,5 m cho xe chữa cháy tiếp cận đến điểm bất kỳ trên hình chiếu bằng của nhà không lớn hơn 60 m.

b) Mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Các gian phòng có diện tích lớn hơn 50 m2 phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Cho phép mồi tầng có 01 lối thoát nạn khi số lượng người có mặt đồng thời trên tầng không quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 30.

Chiều cao thông thủy của cửa phòng phải không được nhỏ hơn 1,9 m; chiều rộng thông thủy của cửa các gian phòng phải không nhỏ hơn 1,2 m khi có diện tích lớn hơn 50 m2 và không nhỏ hơn 0,8 m khi có diện tích đến 50 m2. Cửa của các phòng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải mở theo chiều thoát nạn.

c) Chiều cao thông thủy của hành lang thoát nạn phải không nhỏ hơn 2 m; chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 1,2 m khi diện tích kinh doanh trên một tầng lớn hơn 50 m2 và không nhỏ hơn 1 m cho trường hợp còn lại.

d) Thang bộ dùng để thoát nạn có thể là loại 1, loại 2, loại 3, buồng thang không nhiễm khói loại N1, N2, N3. Chiều rộng của bản thang dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỹ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn 0,9 m; độ dốc (góc nghiêng) của các thang trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45°); chiều rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25 cm, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm.

đ) Thiết kế hệ thống hút khói cho các khu vực như sau: hành lang của tầng hầm, tầng nửa hầm không có thông gió tự nhiên mà hành lang này dẫn vào các khu vực thường xuyên có người; các gian phòng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường diện tích từ 50 m2 trở lên.

Điều 7. Thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy

1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này phải được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này thì không phải thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.