‘Kumanthong là gì, cà khịa là gì, Độ ta không độ nàng là gì’

17/12/2019 09:35 GMT+7

‘Kumanthong là gì, cà khịa là gì, Độ ta không độ nàng là gì’ là những cụm từ theo dạng một câu hỏi thay vì các từ khóa mà người Việt đã tìm kiếm trên Google nhiều nhất năm 2019 .

Theo Google trong năm 2019, những nội dung trong danh sách tìm kiếm thể hiện bức tranh toàn cảnh về các chủ đề, sự kiện thời sự, nhân vật, giải trí, du lịch, địa điểm và cả những câu hỏi mà người Việt quan tâm nhiều nhất.
Trong đó điểm đặc biệt của Danh sách Tìm kiếm nổi bật của người Việt Nam năm 2019 là danh sách top 10 câu hỏi được người Việt hỏi nhiều nhất. Thay vào đó Google không chỉ là “cỗ máy tìm kiếm” bằng các từ khóa mà người dùng tại Việt Nam ngày càng tận dụng sức mạnh tìm kiếm ngữ nghĩa theo dạng một câu hỏi thay vì một từ khóa để có lời giải đáp cụ thể hơn.
Cụm từ “Kumanthong là gì” đứng đầu trong danh sách xu hướng câu hỏi tìm kiếm. Xếp thứ 2 là cụm từ câu hỏi “cà khịa là gì”, hoặc trận thi đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Curacao ở King’s Cup 2019 cũng đẩy câu hỏi “Curacao ở đâu”; thứ 4 là cụm từ “độ ta không độ nàng là gì”; thứ 5 “văn hóa giao thông là gì”; thứ 6 “senorita là gì”; thứ 7 “Cục xì lầu ông bê lắp là gì”; thứ 8 “chill là gì”; thứ 9 “đường lưỡi bò là gì”; và xếp cuối cùng là cụm từ “cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng”.

Kumanthong là gì?

Từng chia sẻ trên Báo Thanh Niên, Giáo sư Robtis Waiyasusri, giảng viên của Trường đại học Dhurakij Pundit, cho rằng Kumanthong xuất phát từ đất nước Thái Lan. Qua đó, nhiều người nghĩ Kumanthong có vẻ hoang đường, nhưng người Thái xem đó là tâm linh bởi nhiều người trong số họ nhìn thấy và cảm nhận được sự hiện hữu của Cậu bé vàng.
Người Thái từ xa xưa tin vào chuyện ma quỷ, họ cũng tin rằng thầy cúng, thầy phép cao tay có thể gọi hồn ma hiện về hoặc báo mộng. Việc tin vào Kumanthong là chuyện bình thường ở Thái Lan.

Theo quan điểm tín ngưỡng của người Thái, Kumanthong là “quỷ, ma” nhưng được thờ như “thần” trong nhà và cả chùa

Minh Quang

Theo giáo sư Robtis, Kumanthong không phải là thần thánh mà là quỷ. Trong suy nghĩ của người Thái, dù là quỷ nhưng Kumanthong có thể ở bên cạnh người và phù hộ thân chủ. Tất nhiên, Kumanthong chỉ là bức tượng, không phải là siêu nhân có thể xuất hiện bất kỳ nơi đâu, lúc nào để giúp đỡ, bảo vệ hay phù hộ người Thái.
Curacao ở đâu?
Curaçao là một Đảo quốc nằm ở châu Mỹ, phía nam biển Caribe, gần bờ biển Venezuela, là vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Hà Lan, dân số hơn 160.000 người, với tổng diện tích 454 km2.
Đảo quốc Curacao có thủ đô là Willemstad. Willemstad có phố xá được xây dựng dựa theo lối kiến trúc Hà Lan. Nhà ở đây xây không quá cao với những màu sắc tươi tắn. Thủ đô Willemstad được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Curaçao là một Đảo quốc nằm ở châu Mỹ, phía nam biển Caribe

Chụp màn hình

Curacao sở hữu nhiều bãi biển nổi tiếng như: Playa Kenepa, Kenepa Grandi, Grote Knip, Cas Anbao, Jan Theil. Từng bị nhiều quốc gia đô hộ nên người Curacao nói được nhiều thứ tiếng Hà Lan, Tây Ban Nha, tiếng Anh… Khí hậu ở Curacao ít khi có mưa nên khó trồng nhiều loại cây ăn trái cũng như lương thực.

Độ ta không độ nàng là gì?

Hồi tháng 6 vừa qua, từ khóa “Độ ta không độ nàng” bỗng dung trở thành xu hướng của những người trẻ và phủ sóng khắp các mạng xã hội Facebook, YouTube và cả trên báo chí truyền thông. Sau đó nó cũng trở thành “trend” của bạn trẻ trong thời gian dài, nhiều hình thức khác cũng lập tức ăn theo. Bên cạnh đó nó trở thành đề tài tranh cãi của nhiều người, nhất là vấn đề tôn giáo.
Từng chia sẻ trên Thanh Niên, ca sĩ Anh Duy - người hát bản hit “Độ ta không độ nàng” cho biết, sau khi người bạn thân Tuyên Chính dịch lời Việt, anh đã trình bày lại ca khúc này và phát nó trên kênh YouTube cá nhân.
Bản thu ban đầu cũng đạt hơn 12 triệu lượt xem, 125.000 lượt thích và có gần 10.000 lượt bình luận trên YouTube. Phiên bản remix do Anh Duy kết hợp cùng DJ Đinh Long cũng gần chạm mốc 10 triệu lượt xem, nắm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng Top Trending chỉ sau vài ngày ra mắt.

Cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng?

Theo một sư thầy tại chùa ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), mọi gia đình đều sắm sửa mâm cúng cô hồn để cầu phúc cho gia đình mình, ban phát bố thí cho những linh hồn không nơi trú ngụ với mục đích không để những linh hồn này quấy nhiễu gia đình. Nhiều người còn cho rằng dịp này nên đến chùa phóng sinh cá, chim, rùa… như làm phước để giải bớt nghiệp.
Vị sư thầy cho biết, mọi người thường cúng cô hồn từ mùng 1 tới 14.7 âm lịch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, điều quan trọng nhất là sự thành tâm của người cúng chứ không quan trọng chuyện cúng đúng ngày hay mâm cúng có gì.

'Cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng' là cụm từ được tìm kiếm nhiều trong năm 2019 trên Google

Ngọc Dương

Theo tiến sĩ Dương Hoàng Lộc (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), phong tục cúng cô hồn ở mỗi nơi mỗi khác, đó là sự khác biệt về văn hóa. Nhưng mâm cúng cô hồn ở đâu cũng đều phải có cháo trắng nấu loãng. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo cho rằng cô hồn ngạ quỷ có yết hầu nhỏ như lỗ kim nên chỉ ăn được cháo loãng. Ngoài ra, mâm cúng còn có thêm muối, gạo, bánh kẹo…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.