Nhưng trong bản tiểu thuyết thì thứ tự ngược lại, hơn nữa, còn phải được bỏ vào lò luyện mới luyện thành hỏa nhãn kim tinh. Một sự nâng cấp về năng lực như vậy cho phép Tề Thiên đại thánh đã thua trận và bị bắt trước đó nay lại “đại náo thiên cung” - một việc mà các phiên bản trước không làm được. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đó.
“Đại náo thiên cung” không phải do Ngô Thừa Ân sáng tác ?
Trước hết phải nói đến mối quan hệ giữa Tây du ký bản in cổ nhất còn giữ được (tức bản Thế Đức đường khắc in năm Vạn Lịch thứ 20 (1592), gọi tắt là Thế bản) - cách không xa năm mất của Ngô Thừa Ân - và bản Đường Tam Tạng Tây du thích ngoa truyện của Chu Đỉnh Thần hiệu đính (gọi tắt là Chu bản). Đại khái học giới thường cho rằng Chu bản chẳng qua chỉ là tóm tắt của Thế bản, có thêm vào một quyển lai lịch của Đường Tăng cho lạ, dễ cạnh tranh với các bản khác trên thị trường.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lưu Chấn Nông lại đề xuất cách nghĩ khác. Ông cho rằng Chu bản không phải tóm tắt Thế bản, mà là biên soạn độc lập. Trong tiết “Lão long vương khuất kế phạm thiên điều” của Chu bản có một bài thơ ở cuối tiết. Bài thơ này không có trong Thế bản. Nó giống với bài thơ trong mục từ “Mộng trảm Kinh Hà long” trong Vĩnh Lạc đại điển. Mục từ này trích dẫn Tây du ký. Nhưng lúc biên soạn Vĩnh Lạc đại điển thì Ngô Thừa Ân vẫn còn chưa ra đời, vì vậy Tây du ký đó có phải là tiền thân của tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân? Vì bản Tây du ký này còn lưu trữ một đoạn trong Vĩnh Lạc đại điển nên tạm gọi nó là Vĩnh bản. Sao lại có chuyện Chu Đỉnh Thần tóm lược Thế bản, mà lại tóm ra được thứ Thế bản không có nhưng lại trùng khớp với Vĩnh bản là bản cổ hơn?!
Minh họa đoạn đại náo thiên cung trong bản in của Chu Đỉnh Thần |
TƯ LIỆU CỦA TRẦN HOÀNG VŨ |
Lại nữa, Chu bản ở cuối tiết “Ngộ Không luyện binh trộm khí giới” có bài thơ năm chữ bốn câu. Ở Thế bản đó lại là bài thơ 26 câu ở đầu hồi thứ 38. Chu bản ở cuối tiết “Ngọc hoàng sai tướng đánh Ngộ Không” cũng có bài thơ năm chữ bốn câu. Ở Thế bản đó là bốn câu đầu bài tán thanh đao của Sư vương tại hồi 75. Nếu chỉ đơn giản là Chu Đỉnh Thần lược thuật lại Thế bản thì có đâu lại đem thơ từ tận đẩu tận đâu về làm thơ kết mấy tiết ở đầu truyện?
Nếu như không thể xem Chu Đỉnh Thần chỉ đơn thuần lược thuật từ bản Thế Đức đường, thì lại có nhiều bằng chứng cho thấy Thế bản chịu ảnh hưởng của Chu bản. Lưu Chấn Nông thống kê được giữa Tây du ký và Phong thần diễn nghĩa có 44 bài thơ chịu ảnh hưởng của nhau. Trong đó có thể chứng minh
8 bài là Phong thần bắt chước Tây du. Cả 8 bài đó đều nằm trong Chu bản. Còn lại 36 bài là Tây du bắt chước Phong thần. Điều đó chỉ có thể bắt nguồn từ thứ tự xuất hiện của ba tác phẩm: Chu bản, Phong thần diễn nghĩa rồi đến Thế bản. Lưu Chấn Nông còn đưa ra chứng cứ chứng minh: 1 - Thế bản tăng bổ phần mở đầu của Chu bản; 2 - Thế bản có nhiều phương ngôn thổ ngữ hơn Chu bản; 3 - Thế bản học hỏi và chỉnh sửa phần thơ kết tiết của Chu bản; 4 - Thế bản phát triển các tình tiết giản lược của Chu bản. Đặc biệt đối với trường đoạn “Đại náo thiên cung”, giữa Chu bản và Thế bản cơ hồ giống nhau hoàn toàn. Bởi vì cho rằng Chu bản ra đời trước, Lưu Chấn Nông nói rằng “Đại náo thiên cung” không phải nguyên tác của Ngô Thừa Ân.
Cạnh tranh thị trường đã khiến lai lịch Đường Tăng biến mất ?
Văn học cổ Trung Quốc vẫn luôn phức tạp như vậy. Một tác phẩm ra đời chịu sự bình điểm, chỉnh sửa của những nhà làm sách đời sau là chuyện hết sức bình thường. Thủy hử mà ta đọc hiện nay là do Kim Thánh Thán cắt xén đi một nửa. Tam quốc diễn nghĩa cũng bị cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương động dao kéo chỉnh sửa rất nhiều.
Tây du ký bị đời sau chỉnh sửa, thêm bớt cũng không phải là chuyện lạ. Nói trắng ra, chính Ngô Thừa Ân cũng chỉ là chỉnh sửa, thêm bớt một bản Tây du ký tiền thân. Tuy vậy, quan điểm của Lưu Chấn Nông vẫn chưa phải hoàn toàn thuyết phục. Ông chưa giải thích được vì sao phần thân thế của Đường Tam Tạng trong Chu bản không được sử dụng lại trong Thế bản.
Xét lịch sử chuyện kể Tây du, lai lịch Đường Tăng vẫn luôn là phần mở đầu câu chuyện, mà lai lịch Tôn Ngộ Không chỉ là phần kế. Trong Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, phải đến tận tiết thứ 11 mới được kể lại. Trong tạp kịch của Dương Cảnh Hiền, “thần, Phật hàng Tôn” là tiết mở đầu của bổn thứ ba. Có thể thấy rằng vì Tôn Ngộ Không ngày càng chiếm sóng, trở thành nhân vật yêu thích, nên lai lịch Ngộ Không ngày càng được coi trọng, thậm chí được gia công thêm đến tầm “Đại náo thiên cung” - bất chấp sẽ tạo ra điểm trái logic cho toàn câu chuyện.
Có thể suy đoán rằng Tây du ký có đại náo thiên cung đã xuất hiện từ áp lực cạnh tranh trong thị trường sách. Nhà nghiên cứu Trần Dân Ngưu trong Tây du ký ngoại truyện có sưu tầm được một giai thoại như vậy. Vốn dĩ Tây du ký được Ngô Thừa Ân viết ra làm của hồi môn cho người con gái. Bản sách này lại bị đứa con trai nuôi trộm lấy đem in. Vì vậy, Ngô Thừa Ân phải viết thêm phần truyện “Đại náo thiên cung” đưa cho con gái khắc in với lời quảng cáo “Phải tìm đúng Tây du ký có đại náo thiên cung”. (còn tiếp)
Bình luận (0)