Kỳ 13: Khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng "chơi chữ"

18/10/2006 00:12 GMT+7

Các Hội nghị trung ương sau Đại hội VI tiếp tục đề cập đến đổi mới ngân hàng. Song như đã nói, biến những tư tưởng đổi mới thành tổ chức là một cuộc đấu tranh gian truân.

Ngày 3/7/1987, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký một quyết định rất quan trọng, đó là quyết định số 218 "cho làm thử việc chuyển hoạt động của ngân hàng sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa" theo đề án Ngân hàng Nhà nước trình trước đó. Đó là "Đề án chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa"á. Ông Ba Châu nói hồi đó khi đề cập đến "kinh doanh" bao giờ cũng gắn cụm từ "xã hội chủ nghĩa" phía sau, nếu không sẽ rất khó thông qua.

Đề án này là quyết tâm và là trí tuệ tập thể của ban lãnh đạo và các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước lúc đó. Ông Ba Châu còn tranh thủ ý kiến đóng góp rất có giá trị của các chuyên gia kinh tế và ngân hàng từng làm việc trong chế độ cũ, đặc biệt là sự đóng góp của "Nhóm Thứ Sáu". "Chúng tôi đã tiếp thu nhiều ý kiến có giá trị từ nhóm này", ông Ba Châu nhắc tôi lưu ý điều đó.

Việc đổi mới ngân hàng sau này đã được hoàn thiện từng bước theo cơ chế thị trường và theo lộ trình hội nhập kinh tế, nhưng bước ngoặt đổi mới bắt đầu từ bản đề án này. Theo đề án đó, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xác lập đúng chức năng quản lý Nhà nước, không giao dịch trực tiếp với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Từ đây, các "ngân hàng chuyên nghiệp" được thành lập, từ đây hệ thống quỹ ngân sách nhà nước (kho bạc) cũng được tách khỏi ngân hàng. Cũng từ đây, các công ty vàng bạc đá quý được thành lập, SJC ra đời cũng từ sự kiện này. Ông Ba Châu nói trước đó chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phép kinh doanh vàng bạc, việc kinh doanh vàng bạc bị cấm kỵ đến mức "người ta mua bán vàng với nhau, đem đến ngân hàng nhờ cân hộ ngân hàng cũng không dám cân".

Điểm "cho đến bây giờ vẫn còn mới" trong bản đề án, bản đề án cách đây gần hai mươi năm, là: "Bỏ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu; thành lập một số Ngân hàng Nhà nước khu vực (ở TP.HCM, ĐBSCL, miền Trung) để thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và xử lý các quan hệ về tiền tệ, tín dụng, thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên nghiệp". Hồi đó đã làm được việc này, vì "không có nước nào trên thế giới có các chi nhánh như vậy cả". Rất tiếc, sau này các chi nhánh đã được khôi phục và theo ông Ba Châu "trong thực tế các chi nhánh này không có việc gì làm".

Bản đề án trên còn lưu ý đến một vấn đề rất căn bản là: "Tổ chức viết lại giáo trình, giáo án, tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa về công tác ngân hàng theo quan điểm tư duy mới".

Sau một thời gian "làm thí điểm", Ngân hàng Nhà nước tổ chức tổng kết. Tổng kết rồi "báo cáo tới báo cáo lui", cuối cùng mới hoàn thành bản dự thảo Nghị định cho Hội đồng Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng hoàn toàn tán thành và ủng hộ những quan điểm đổi mới ngân hàng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Ông Ba Châu nhớ lại: "Chiều ngày 9/3/1988, tại nơi làm việc của anh Phạm Hùng ở phía Nam, số 7 Lê Duẩn, TP.HCM, anh Phạm Hùng đã chăm chú nghe tôi đọc từng câu, từng chữ của bản dự thảo nghị định. Anh bảo sửa vài chữ cho chính xác để ngày hôm sau anh ký. Trước đây khi thảo luận, dùng cụm từ Ngân hàng thương mại một số vị lãnh đạo không đồng ý, hai chữ thương mại gắn với ngân hàng gần như là sự "kiêng kỵ", bởi vậy trong Nghị quyết của Đảng phải dùng Ngân hàng chuyên nghiệp. Anh Phạm Hùng thì tán thành tên gọi Ngân hàng thương mại, nhưng anh bảo chúng tôi nên tránh dùng chữ đó để khỏi có ý kiến ra ý kiến vào không cần thiết. Và anh đề nghị thay bằng Ngân hàng chuyên doanh. Anh nói: Chuyên doanh là chuyên kinh doanh, không dùng từ thương mại nhưng từ này cũng đồng nghĩa với thương mại rồi!".

Ông Ba Châu kể tiếp: "Nhưng thật đau đớn, chiều ngày hôm sau, khoảng 13h, tôi nhận được điện thoại báo tin anh Phạm Hùng đã ra đi vĩnh viễn sau một cơn bệnh đột ngột. Anh ra đi mà chưa kịp ký một Nghị định đổi mới ngân hàng, sự đổi mới mà anh đã dành nhiều tâm huyết. Gần một tuần sau, ngày 26/3/1988, anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), với tư cách là Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã ký ban hành bản Nghị định này". Đó là Nghị định số 53/HĐBT về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên, hệ thống Ngân hàng Nhà nước được tổ chức thành ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chuyên doanh (mà ngày nay gọi là ngân hàng thương mại). 4 ngân hàng thương mại (Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng phát triển nông nghiệp Việt Nam, Ngân hàng công thương Việt Nam và Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam) đã được xác lập từ bản Nghị định này.

Hoạt động tiền tệ cũng bắt đầu mở cửa. Ngoài việc mở rộng kinh doanh vàng bạc đá quý, thời kỳ đó cũng bắt đầu cho phép các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam và cho phép liên doanh với ngân hàng nước ngoài. Liên doanh đầu tiên là Indovina Bank, tồn tại cho đến bây giờ... (Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.