Mùa dịch Covid-19 vừa quét qua, gần như không ai không chịu đựng sự ảnh hưởng của nó. Như bao người lao động phổ thông khác, nhiều tài xế xe công nghệ cũng đã là những “nạn nhân không triệu chứng” của mùa đại dịch.
Anh Văn Nghĩa, tài xế beCar Hà Nội nói: “Trước nay tiền công của mình đến nhiều từ việc đưa đón học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đi học, đi làm nhưng sau tết đến nay đã nhiều tháng, các trường đều đóng cửa, mọi người hạn chế đi lại, xem như mất 80% thu nhập. Tuần lễ thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, mình và chiếc xe xem như cũng nằm nhà”.
Bác tài Ngọc Đức, beBike TP.HCM thành thật chia sẻ: “Đã đi chạy xe ôm công nghệ, nhiều anh chị em hoàn cảnh rất khó khăn, đơn chiếc, chứ có sung sướng gì. Mất mấy tuần vắng khách, có người vợ bệnh, có người con đau, người ông bà già ở quê yếu, rồi tiền gạo, tiền nhà, tiền chợ góp, đói thật chứ không chơi. Giờ mọi việc bắt đầu hoạt động lại rồi, nhưng tôi biết rằng, có nhiều anh em đợt rồi lại chồng thêm nợ nần. Chạy xe cười vậy chứ trong bụng còn héo lắm…”.
Lệnh giãn cách đã được dỡ bỏ, nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế đang được triển khai ở nhiều cấp độ, từ doanh nghiệp đến người lao động. Tuy nhiên, trong số 1 triệu lao động sẽ được hưởng trợ cấp từ Nhà nước, các tài xế công nghệ lại không nằm trong diện hỗ trợ nào. Trong khi cùng với các ngành dịch vụ như nhà hàng, du lịch, người lao động làm việc trong lĩnh vực vận tải cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một đợt dịch đi qua chứng kiến tấm lòng tương thân của người Việt sâu đậm hơn bao giờ hết. Người góp cây ATM gạo, người giảm tiền nhà trọ cho công nhân, người bớt chi phí mặt bằng để chia sẻ với doanh nghiệp… Nhưng riêng đối với các tài xế xe công nghệ, một lực lượng lao động phổ thông chiếm con số hùng hậu tại các đô thị lớn, làm thế nào họ nhận được sự hỗ trợ một cách tập trung, chủ động, trong khi vài đồng tiền “tips” có lẽ là quá manh mún lẻ tẻ so với một số lượng lớn các bác tài cần được hỗ trợ?
Mới đây, ứng dụng gọi xe be tung ra một chương trình quyên góp đặc biệt “hậu giãn cách” để ủng hộ cho các bác tài có hoàn cảnh khó khăn có tên “Cố lên bác tài ơi!”. Bằng cách chọn tính năng “Ủng hộ bác tài be” trên ứng dụng be, chỉ với những khoản 20.000, 50.000 hay 100.000 đồng, khách hàng đã có thể đồng hành tiếp sức tinh thần các bác tài phần nào vượt qua khó khăn.
Biết đến chương trình này của be, chị Thái Mỹ An (42 tuổi, quận 3, TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ: “Trong mùa dịch Covid, tài xế đã giúp đỡ cho khách hàng rất nhiều: đi chợ hộ, giao nhận đồ để khách hàng có thể ở nhà chống dịch. Sau mùa dịch, biết được nhiều tài xế đang phải khó khăn để trang trải cuộc sống, mình rất sẵn sàng chung tay. Đâu cần tiền triệu, có khi chỉ là vài chục ngàn, bằng tô phở thôi, mình cũng đã giúp được các anh phần nào!”.
|
Nền kinh tế vẫn chỉ đang tái khởi động trong dè dặt. Và hậu quả của đại dịch dĩ nhiên không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều. Như nhiều ngành nghề khác, mất khách, bị đóng bớt dịch vụ, be cũng chịu không ít thiệt hại. Song, một việc khẩn thiết cần làm, là tìm hiểu, lập danh sách các bác tài có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất đợt dịch vừa rồi, từ đó kêu gọi sự chung tay không chỉ của nhân sự trong be mà đặc biệt còn từ khách hàng, qua chương trình quyên góp “Cố lên bác tài ơi!”. Chúng tôi tin rằng hơn ai hết, chính khách hàng với sự tương thân dành cho các bác tài, sẽ cùng giúp họ khắc phục những khó khăn giai đoạn này.
Bằng cách kêu gọi sự tương thân tương ái giữa khách hàng và tài xế, ứng dụng gọi xe be đã khẳng định một triết lý đặc biệt trong hoạt động kinh doanh của mình: Hơn cả một dịch vụ, họ muốn được là cầu nối giữa người với người. Sinh sau đẻ muộn so với nhiều cái tên, “những chú ong vàng thuần Việt” vẫn tạo ra sức hút trên thị trường nhờ định hướng chiến lược đặc biệt của mình: Trân trọng khách hàng, và càng trân trọng hơn những người cầm lái, để tạo ra mối quan hệ lâu dài bền vững cho thị trường hấp dẫn nhưng cũng nhọc nhằn này.
Mùa dịch Covid-19 đi qua cũng đồng thời để lại phép thử cho những câu chuyện nhân văn, mà đôi khi trong những điều kiện xã hội bình thường, chúng ta khó lòng thấy được và trân trọng.
Bình luận (0)