Kỳ 4: Đêm mơ Hà Nội

03/01/2013 00:40 GMT+7

“Trong kháng chiến tôi có may mắn gặp hai nhà thơ hay nhất ở hai vùng khác nhau là Hoàng Cầm và Quang Dũng. Có lẽ khung cảnh mỗi vùng kháng chiến khác nhau nên thơ của Quang Dũng có vẻ âm u huyền bí trong khi thơ Hoàng Cầm rất trong sáng. Đường Tây Tiến không phẳng lặng, bình an như đường về sông Đuống…” (Phạm Duy).

Thật ra, trước khi gặp nhau trong kháng chiến, nhà thơ Quang Dũng nhạc sĩ Phạm Duy đã là bạn từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường. Phạm Duy kể lại rằng, lúc còn đi học ở Trường Thăng Long vào năm 1934, ngồi sau ông hai hàng ghế là sinh viên Bùi Đình Diễm (hoặc Bùi Đình Dậu), tức thi sĩ Quang Dũng trong tương lai.

“Khi tôi học trung học ở Trường Thăng Long Hà Nội, tôi có cậu bạn học sau này là thi sĩ nổi danh với bài thơ Tây Tiến: Quang Dũng. Anh tên thật là Dậu, lúc mới 15, 16 tuổi anh đã cao lớn đô con nhưng hiền và ít nói lắm. Hồi đó tôi chưa thân với anh vì anh không nghịch phá như chúng tôi, nhưng sau này khi tản cư ra vùng kháng chiến thì chúng tôi khá thân với nhau.

Đêm mơ Hà Nội
Quang Dũng (ngoài cùng bên trái) gặp Văn Cao (ngoài cùng bên phải) và bạn bè trong kháng chiến - Ảnh: tư liệu

Thuở ấy thi sĩ Quang Dũng đang là đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến, đôi khi được về phép với gia đình Quang Dũng lại tạt qua Kinh Đào gần chợ Đại để gặp người tình vũ nữ tên Nhật, bán cà phê ở vùng kháng chiến, còn có biệt danh là Akimi.

Phải chăng nàng là “em” mà Quang Dũng đã tặng những câu thơ: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương. Rồi sau này khi tôi gặp Akimi tại Mỹ năm 1989, nàng còn đọc cho tôi câu thơ mà thi sĩ Quang Dũng chép tặng lên vách nứa của quán nàng : Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên/Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/Non sông cùng đắm giấc mơ tiên… Quang Dũng rất giống tính tôi ở chỗ quý trọng sự riêng tư độc lập của mình. Đi kháng chiến đã ở nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằm và treo mảnh giấy có dòng chữ: Xin mọi người đừng bước vào đây. Thế nhưng trước con gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải lụy ông bà thân sinh của người đẹp. Điểm giống nhau của chúng tôi còn là đều từng có mối tình vũ nữ đậm đà mãnh liệt.

 

Trong kháng chiến, họ có cùng nhau biết bao kỷ niệm, không ít lần “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”.  Cái kiểu lãng mạn thời ấy và nỗi lòng mênh mênh mang mang của hai chàng trai trẻ

 Rồi anh cũng từng bỏ nhà đi theo gánh hát với tư cách nhạc công đàn cò, anh không học trường mỹ thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và từng làm họa sĩ, dùng cái bút lông để được lê gót giang hồ. Trong kháng chiến Quang Dũng tham dự một cuộc triển lãm với bức tranh Gốc bàng rất ấn tượng. Anh còn soạn nhạc nữa, bài hát Nhớ Ba Vì của anh được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm.

Sau khi ở nhà Lê Khải Trạch về Chợ Neo, chúng tôi đạp xe 15 cây số cùng nhau, tôi có hỏi thăm anh về Akimi, anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi nghe bài thơ Đôi bờ: … Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ/Thoáng em hiện về trong đáy cốc/Nói cười như chuyện một đêm mơ/Xa quá rồi em người mỗi ngả/Bên này đất nước nhớ thương nhau/Em đi áo mỏng buông hờn tủi/Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

Sáng hôm sau Quang Dũng đạp xe về đơn vị, tôi ngồi bên bờ sông máng phổ nhạc bài thơ Tây Tiến mà anh vừa viết ở Phù Lưu Chanh. Tôi nhớ đoạn cuối, đáng lẽ nét nhạc phải về chủ âm Sol thì câu hát Đường về Sầm Nứa chẳng về xuôi tôi kết thúc với nốt La ngang phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng quyết tử ra đi vậy”.

(Trích Vang vọng một thời - Mùa hè, 2012)  

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Trước đó, khi gặp nhau tại chợ Đại (Hà Đông), Quang Dũng đọc cho Phạm Duy nghe bài thơ Tây Tiến. Vừa nghe qua mấy câu, Phạm Duy đã có ý định phổ nhạc ngay. Và cũng vừa nghe qua mấy câu, nhạc sĩ đã đem lòng quý mến hơn người thi sĩ này. Trong kháng chiến, họ có cùng nhau biết bao kỷ niệm, không ít lần “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”.  Cái kiểu lãng mạn thời ấy và nỗi lòng mênh mênh mang mang của hai chàng trai trẻ.

Thế rồi, những người bạn tri kỷ (và nổi tiếng) của Phạm Duy lần lượt ra đi…

Song có lẽ, sự ra đi khiến ông ngậm ngùi nhất là ngày ông nghe tin Quang Dũng mất trên giường bệnh tại Hà Nội sau thời gian dài bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ do tai biến mạch máu não.Vậy là, anh bạn Quang Dũng hào hoa phong nhã của Phạm Duy đã từ giã cõi đời vì bệnh tật. Hình ảnh cậu sinh viên to con lành tính chả bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc “làm loạn” nào của lớp học thuở nhỏ như còn nguyên vẹn và giờ ngủ yên ở miền quá khứ. Sắp bước qua tuổi chín mươi ba, nhưng từng câu từng chữ trong bài thơ Tây Tiến năm nao vẫn in đậm trong trí nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
 Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
 Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
 Mường Lát hoa về trong đêm hơi
 Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
 Heo hút cồn mây súng ngửi trời
 Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
 Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
 Anh bạn dãi dầu không bước nữa
 Gục lên súng mũ bỏ quên đời
 Chiều chiều oai linh thác gầm thét
 Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
 Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...”.

Hiếu Dũng - Ngân Vi

>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy
>> Bên cầu biên giới của Phạm Duy được phép phổ biến
>> Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: 93 tuổi chưa phải là già
>> Phát hành 4 album nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy dị với Bích Khê 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.