Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn! |
Từ thế kỷ 16, cà phê đã theo gót chân quân viễn chinh Thổ Nhĩ Kỳ du nhập vào Hungary, đặt nền tảng đầu tiên cho định chế cà phê hình thành tại đây. Văn hóa cà phê dần trở nên phổ biến khi các quý tộc và sĩ quan quân đội Hungary tiếp xúc với hàng quán cà phê trong những chuyến công du tới Viên, và đưa thói quen này trở về xã hội Hungary. Cà phê và hàng quán cà phê dần xuất hiện và phát triển trở thành trung tâm của đời sống văn hóa - trí tuệ độc đáo tại Hungary theo một cách rất riêng.
Quán cà phê thuần phong cách Hungary đầu tiên được mở vào năm 1714 tại thành phố Buda. Khác với những quán cà phê ồn ào tại Thổ Nhĩ Kỳ, quán cà phê tại Hungary hướng đến không gian thưởng lãm cho các thực khách, tạo sự thoải mái, cởi mở cho những cuộc hội họp, đàm thoại. Tại đây luôn có không gian cho những bộ môn trí tuệ như chơi cờ vua, billard,… Bên cạnh đó, trong suốt mùa hè, người ta sẽ mở ra các không gian sân vườn, để thực khách có thể tận hưởng không gian uống cà phê ở ngoài trời và phục vụ kèm với đồ ngọt hoặc kem.
|
Sức hút của các quán cà phê khiến việc thưởng lãm cà phê trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Hungary. Tính đến năm 1896, tại Hungary đã có đến hơn 500 quán cà phê hoạt động. Trong 200 năm tiếp theo, văn hóa cà phê đạt đến kỷ nguyên tươi sáng nhất tại đây với số lượng cà phê tại thủ đô tăng lên gấp 166 lần. Những quán cà phê như New York Coffee House, Pilvax, Helvetia hay Berger trở thành một trong những địa điểm cho giới trí thức đàm thoại và tham gia đời sống văn hóa. Hàng quán cà phê lúc này gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội của người dân Hungary, và đặc biệt trong những năm tháng không ngừng đổi thay của chính trị châu Âu, nó trở thành điểm hoạt động lý tưởng của các trí thức yêu nước Hungary, phát xuất những phong trào cách mạng vĩ đại.
|
Quán cà phê Pilvax ngày nay được nhắc đến một cách đầy tự hào như là đại bản doanh của cuộc cách mạng dân tộc. Nó là chứng nhân lịch sử của những năm tháng tìm về tự do hào hùng mà vĩ đại của dân tộc Hungary. Tại đây đã diễn ra nhiều buổi họp bàn của giới thanh niên và trí thức Pest về cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập tự do cho dân tộc, để rồi đưa đến kết quả là bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 15.3.1848.
Những năm 1867, Áo và Hungary liên kết để hình thành đế chế Áo - Hung, hai thủ đô được ví như song sinh của hai dân tộc là Vienna và Budapest trở thành nơi văn hóa cà phê phát triển rực rỡ. Giai đoạn này cũng là giai đoạn số lượng những quán cà phê tại Hungrary tăng lên nhanh chóng, trở thành nơi chốn thường xuyên lui tới của giới nhà văn, nghệ sĩ, chính trị gia,… đưa đến những tỉnh thức về nhân tình thế thái, vốn là nguồn động năng căn cốt tạo nên “xã hội cà phê’’. Nơi đây đã trở thành cái nôi của vô số những vĩ nhân trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật cho đến khoa học như Bartok, Molnar, Theodore Herzl, Arthur Koestler, Marcel Breuer và các nhà vật lý Leo Szilard, John von Neumann,…
|
Bước sang giai đoạn thập kỷ cuối thế kỷ 19, một lần nữa hàng quán cà phê lại đóng vai trò chứng nhân lịch sử quan trọng khi là nơi khởi xuất cuộc cách mạng văn hóa dân tộc. Từ quán Café Fiume, đoàn người biểu tình ủng hộ vị anh hùng dân tộc yêu nước Kossuth đã tiến đến Nhà hát và rạp chiếu quốc gia yêu cầu tạm dừng các buổi biểu diễn nhằm đòi tôn trọng sự đa dạng văn hóa dân tộc và tự do tôn giáo.
Trải qua nhiều biến thiên đổi dời của các thể chế chính trị khác nhau, thế nhưng những hàng quán cà phê vẫn tồn tại ở thành phố Budapest qua năm tháng, chứng kiến sự đổi thay của đất nước và lưu giữ tinh thần dân tộc. Trong tiếng phong cầm lạc giữa chốn thành thị ngày nay, vẫn phảng phất hào khí của những cuộc cách mạng vĩ đại trước đây nhắc nhở người Hungary về một quá khứ đầy tự hào.
|
Đón đọc kỳ sau: Trường đại học ẩn hình trong hàng quán cà phê Anh
Bình luận (0)