"Khi nào có người yêu?", "Khi nào cưới?"... là những câu hỏi ám ảnh ngày tết |
VĂN LĨNH |
Cảm thấy ám ảnh và vô cùng áp lực
Mỗi năm khi về TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đón tết, Vũ Ngọc Thảo Phương (22 tuổi, hiện đang làm việc tại Công ty Delta Engagement Marketing, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết bản thân thường nhận rất nhiều các câu hỏi từ người thân và họ hàng.
“Những năm trước mọi người ít hỏi nhưng tết năm vừa rồi mình thấy tự dưng có nhiều người quan tâm hơn đến tình trạng các mối quan hệ cá nhân của mình. Mình cũng dần bắt đầu để ý hơn mấy câu hỏi đại loại như "Có người yêu chưa?", "Chừng nào lấy chồng?"… Và tần suất mọi người hỏi nhiều hơn so với trước đây”, Thảo Phương cho hay.
Thảo Phương khá thoải mái với việc chia sẻ các câu hỏi ngày tết từ gia đình |
NVCC |
Lê Thị Kiều Na, sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cảm thấy ám ảnh và vô cùng áp lực với những câu hỏi "riêng tư" ngày tết. Và Na cho rằng mình còn trẻ nên muốn tập trung cho sự nghiệp và phát triển bản thân trước khi bắt đầu một mối quan hệ yêu đương và tiến tới lập gia đình.
“Mỗi lần về quê là có nhiều người hỏi và liên tục hối thúc mình có người yêu. Thái độ thì có người vui vẻ cũng có người thì tỏ thái độ khó chịu khi mình đã lớn rồi mà vẫn vậy. Rồi đem so sánh mình với người khác lúc 19 tuổi đã lập gia đình và có em bé sớm vì nghĩ rằng kết hôn sớm rồi sinh con sẽ ổn định hơn”, Kiều Na bộc bạch.
Đối với Kiều Na, ngày tết vẫn còn rất nhiều câu hỏi quan tâm nhau nên hạn chế những câu hỏi riêng tư vì sẽ khiến bản thân bị khó xử |
NVCC |
Cô nàng cũng cho biết mình còn bị hiểu lầm, đồn thổi là “kén cá chọn canh” mới không có người yêu nên vô tình những câu hỏi ấy lại khiến Kiều Na bị tổn thương rất nhiều.
Đọc thêm
[Kỳ 1] Tết cận kề lo nhất điều gì?: 'Vượt vũ môn' không thành là… hết tết
[Kỳ 2] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Áp lực lần đầu làm rể, làm dâu
[Kỳ 3] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Ám ảnh những cuộc 'ép uống' không lối về
[Kỳ 4] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Tổng dọn vệ sinh muốn 'xây xẩm mặt mày'
[Kỳ 5] Tết cận kề lo nhất điều gì: Đầu tiên là tiền đâu?
Cũng vô cùng khó xử trước những câu hỏi trên, chị Hà Thị Dung (26 tuổi), hiện đang làm việc tại công ty TNHH TTI Việt Nam (xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: "Vì mình cũng đến tuổi lập gia đình rồi, không còn trẻ nữa nên mọi người gặp thì cứ hỏi bạn trai đâu sao không dẫn về, có người còn kêu mình là 'bà cô ế này kia' cũng chạnh lòng. Tuy trong công việc thì không có vấn đề gì nhưng chú thím, anh chị cũng mai mối hơi phiền toái chút vì mình cũng chưa muốn có người yêu hay lập gia đình".
Tuy nhiên, chị Dung cũng sợ bố mẹ buồn, vì có lần bố chị cũng bảo rằng sao lớn rồi sao không lo chồng con rồi lo lắng vì con gái tuổi trẻ có lâu đâu, khiến chị Dung cũng mủi lòng mà bật khóc.
Đồng cảnh ngộ, mỗi lần về quê, anh H.Đ.P. (30 tuổi), hiện đang làm công nhân tại TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) thường nhận được các câu hỏi: "Bao giờ cho cô chú ăn cưới?" hoặc "Năm nay không có người yêu về cùng à?".
"Lúc đó mình cũng trả lời xã giao để góp vào câu chuyện thôi, nhưng khi ở cùng bố mẹ thì cũng hơi khó xử. Vì mỗi lần họ hàng hỏi như vậy thì bố mẹ lại chêm lời: 'Nó cứ đi làm suốt ngày rồi cắm đầu vô công việc chứ không lo gì', rồi chê bai trước mặt người ta", anh P. nói.
Chuyện tình cảm là tự nhiên chứ không đua đòi hay phải chịu áp lực từ họ hàng
Đứng trước những câu hỏi "quan tâm đặc biệt" về sự riêng tư mang tính chất cá nhân như thế, nhiều người chọn cho mình cách ứng phó khác nhau. Có người sẵn sàng đối diện nhưng cũng có người vô cùng lo lắng và không muốn nhận những câu hỏi quá riêng tư.
"Mỗi năm nhìn thấy bố mẹ lo lắng cho mình như vậy thì mình cũng đã nghĩ đến chuyện lập gia đình nhưng hiện tại mình vẫn chưa tìm thấy ai phù hợp với bản thân. Nên tết năm nay mình cũng hy vọng bố mẹ khỏe và những câu hỏi như thế sẽ ít lại cho tết vui", chị Dung bày tỏ.
Việc trả lời trước những câu hỏi về mối quan hệ nên có sự cân nhắc phù hợp đối với tình hình của mỗi người |
THẢO PHƯƠNG |
Theo Kiều Na, ngày tết vẫn có nhiều câu hỏi khác để quan tâm nhau nhiều hơn, không cứ xoáy sâu vào mối quan hệ riêng tư, vì có người cảm thấy bình thường nhưng cũng có người nhạy cảm quá với chuyện kết hôn sẽ không vui, đặc biệt là dịp tết.
Kiều Na nói: “Mình nghĩ mỗi người có một tiêu chuẩn và cuộc đời khác nhau. Ngày tết vui vẻ không nên lấy chuyện lập gia đình hay có người yêu để so sánh với nhau, vì với mình chuyện tình cảm là tự nhiên chứ không đua đòi hay phải chịu áp lực từ họ hàng rồi tìm đại một người để quen”.
"Thực ra mình cũng muốn có người yêu nhưng phải theo giai đoạn, bây giờ mình đã 30 tuổi rồi nên cũng không quá quan trọng với chuyện đó. Khi nào duyên đến thì nhận chứ không ép buộc bản thân mình quá, vì đã muộn rồi thì phải tìm người thật phù hợp chứ không áp lực vì người này người nọ được", anh H.P. đồng cảm.
Với Vũ Ngọc Thảo Phương, những câu hỏi với nội dung “Có người yêu chưa?” hay “Khi nào lập gia đình?” không quá nhạy cảm trong môi trường văn hóa của người Việt và cũng không hẳn là tới dịp tết người ta mới hỏi nhau.
“Dịp tết càng là cơ hội tốt để những người thân quen hội ngộ, tranh thủ chia sẻ với nhau một chút về cuộc sống. Đối với mình quan trọng không phải là hỏi cái gì mà là thái độ chân thành của người hỏi và mức độ quan tâm của người đó dành cho mình để cách ứng xử phù hợp. Vì tết mà, cả năm mới có dịp về quê một lần, nên làm sao để cả nhà đều vui vẻ là được”, Thảo Phương nói.
Tết cận kề lo nhất điều gì?
Bình luận (0)