Hàng trăm đề tài nghiên cứu được công bố
Thầy Thắng lớn lên từ phum sóc. Ông bà nội vốn là bầu gánh dù kê, cha là nghệ nhân chơi nhạc cụ Khmer, mẹ là nghệ nhân hát nhạc truyền thống Khmer. Sau khi đi tu trả hiếu, thầy tiếp tục học tập chữ Việt lẫn chữ Bali để trau dồi kiến thức.
Thầy Thắng (ngồi) cùng học trò tạo những sản phẩm mão, mặt nạ biểu diễn truyền thống Khmer |
DUY TÂN |
Chọn học ngành văn hóa Khmer Nam bộ của Trường ĐH Trà Vinh để theo đuổi ước mơ quảng bá và truyền đạt vốn quý của dân tộc mình, tốt nghiệp năm 2010, thầy Thắng được giữ lại trường công tác. Sau đó, thầy lần lượt học tập lên thạc sĩ, tiến sĩ và hiện là Phó trưởng bộ môn Nghệ thuật, khoa Ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam bộ để gieo mầm đam mê nghệ thuật văn hóa Khmer Nam bộ cho sinh viên.
Suốt nhiều năm qua, thầy Thắng đã trình làng hàng loạt bộ sưu tập nghiên cứu khoa học với hàng trăm đề tài, như: múa dân gian Khmer trong đời sống hiện đại; làm thế nào để nghệ thuật truyền thống Khmer được giới trẻ đón nhận; cách để nghệ thuật dù kê tiệm cận với công chúng… Trong đó, thầy đã tìm ra được căn nguyên và lý giải những câu hỏi hóc búa.
Những chiếc mặt nạ được thu nhỏ gấp nhiều lần làm quà lưu niệm |
DUY TÂN |
Truyền cảm hứng cho lớp trẻ
Để bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam bộ, thầy Thắng không chỉ nghiên cứu mà còn hiện thực hóa bằng những sản phẩm mão, mặt nạ biểu diễn và dàn nhạc ngũ âm, ghe ngo tí hon… để làm quà lưu niệm cho du khách khi đến tham quan Trà Vinh.
Mặt nạ biểu diễn Khmer nguyên bản cung cấp cho các đoàn nghệ thuật |
DUY TÂN |
Những sản phẩm mô hình chiếc ghe ngo với kích thước nhỏ gọn cộng thêm mẫu sản phẩm bắt mắt, với những đường nét hoa văn đặc trưng. Mô hình chiếc ghe ngo do thầy chế tác đã trở thành sản phẩm quà tặng đầy ý nghĩa khi đến Trà Vinh. Sản phẩm mô hình mão, mặt nạ biểu diễn Khmer cũng vậy, thầy vừa làm nguyên bản để cung cấp cho các đoàn nghệ thuật Khmer, vừa làm những mô hình nhỏ gọn để làm sản phẩm du lịch, rất được ưa chuộng. Nhờ đó đưa sản phẩm đến gần hơn với nhiều du khách trong và ngoài nước.
“Thay vì chiếc ghe ngo dài 50 - 60 m thì tôi thu nhỏ lại khoảng 0,5 m thôi hoặc nhỏ hơn nữa để làm ra sản phẩm trưng bày. Các loại mão, mặt nạ cũng vậy, thường chỉ được sử dụng trong nghệ thuật, giờ được thu nhỏ có thể để gọn trong lòng bàn tay, trưng bày dễ dàng”, thầy Thắng cho biết.
Những chiếc ghe ngo thu nhỏ 10 lần so với bản thực |
DUY TÂN |
Ngoài việc giảng dạy, thầy còn lập cơ sở chế tác, quy tụ nhiều sinh viên và cựu sinh viên Trường ĐH Trà Vinh, tạo điều kiện để sinh viên có thêm thu nhập và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống.
Đảm nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường ĐH Trà Vinh, điều thầy Thắng tâm đắc nhất là đã trao truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho bao thế hệ sinh viên. Từ câu lạc bộ này, bao lớp thế hệ sinh viên biết múa, hát, biết vẽ mặt nạ, làm mão… cho kịch hát Khmer. Đặc biệt, nhiều sinh viên ra nghề và nhờ đó có việc làm ổn định.
Truyền cảm hứng về nghệ thuật Khmer truyền thống cho lớp trẻ |
DUY TÂN |
“Điều tôi mong muốn truyền cảm hứng cho lớp người trẻ, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, bằng cách thu nhỏ các sản phẩm mão, mặt nạ, ghe ngo, mô hình các loại nhạc cụ… với mong muốn du khách biết đến văn hóa Khmer nhiều hơn, những sản phẩm đặc thù tỉnh nhà”, anh Thắng chia sẻ.
Thầy Thắng dạy cho sinh viên điệu múa Khmer |
DUY TÂN |
Anh Thạch Huỳnh Thươne từng được thầy Thắng truyền cảm hứng về nghệ thuật Khmer truyền thống. Hiện, anh cũng trở thành một nghệ nhân lành nghề, mang cảm hứng và nhiệt huyết của thầy để làm mặt nạ, đi trình diễn nghệ thuật Khmer truyền thống. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)