(iHay) Những lời đồn kỳ bí về loài rắn hổ mây khổng lồ trên đỉnh Cấm Sơn dần được giải mã bởi giới thợ săn lão luyện, được cho từng chạm chán với loài vật kỳ ẩn này.
>> Đổ mồ hôi lưỡi' với tiệc rau rừng trên núi Cấm
|
Kỳ 1: 'Chung tình' như rắn hổ mây
Rắn hổ mây “quậy tưng” nhà dân
Núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) được biết đến như vùng “đất thiêng”, từng là nơi ẩn dật của những kỳ nhân, dị sĩ. Ngọn núi cao nhất Miền Tây này còn biết đến với những tin đồn về rắn hổ mây khổng lồ to vài trăm ký ẩn trong hang sâu mà người thường không thể tới. Câu chuyện về “rắn thiêng” tưởng chỉ có trong văn học ấy không ít lần lại được dấy lên qua lời kể của một đạo sĩ được cho là đã từng chạm chán, thậm chí “kịch chiến” với rắn khổng lồ. Trong khi những câu chuyện mang hơi hướng hoang đường vẫn còn nhiều hồ nghi của không ít người thì cũng trên đỉnh núi này lại xảy ra những hiện tượng ly kỳ khiến người ta tin “rắn thiêng” là có thật. Tuy nhiên, với những người từng là thợ săn kỳ cựu vùng Bảy Núi, những câu chuyện đó có thể giải thích được, không có gì là thần bí cả.
Bếp lò nhà bà Thúy sau vụ rắn “quậy” đã xuất hiện lư hương thờ cúng
Chuyện xảy ra cũng ít lâu, nhưng tới giờ có người hỏi đến thì bà Bùi Thanh Thúy (Tổ 1, ấp Thiên Tuế, xã An Hảo), một gia đình kinh doanh ăn uống trên đỉnh núi Cấm vẫn phải rùng mình khi kể lại. Hôm đó, chồng bà là ông Nguyễn Hữu Tâm được hàng xóm cho khúc thịt rắn hổ mây to và dài bằng cổ chân. Bà Thúy bắt nồi luộc, định làm món rắn hầm sả. Trong lúc chờ đợi, mà ngồn trên bộ salon giữa nhà, bật ti vi. Bất chợt bà nhìn lên vách trước cửa phòng ngủ có vật gì rất to, màu xám tro, khoanh tròn gần chiếc đồng hồ treo tường. Nghi là rắn, bà gọi chồng lên coi. Lúc này, con rắn bò vắt ngang cửa phòng ngủ, gần bếp lò đang nấu món rắn hầm sả, đầu đưa qua lại như đang tìm kiếm thứ gì đó. Lúc này vợ chồng bà Thúy mới điếng người, phân trần với… con rắn là gia đình mình không có giết con rắn đang nấu, mà do hàng xóm giết. “Lúc sau nó mới đi. Nhưng lạ lắm chú, nó không bò như con rắn bình thường mà bò chữ chi, đuôi nó quơ loạn xạ làm đổ cả lư hương bàn thờ. Lúc đi qua vách nhà bếp, nó đập nghe rầm rầm, giống như người ta tức giận đá lung tung…”, bà Thúy kể. Sau khi bị rắn “quậy”, gia đình bà Thúy đổ bỏ nồi rắn đang nấu vì sợ bị rắn “trả thù”.
Đêm sau, cũng chính con rắn đó nằm áng ngay cửa nhà ông Sang, hàng xóm bà Thúy. Ông Sang hoảng sợ không dám ở trong nhà. Đến tuần lễ sau, con rắn lại xuất hiện quanh khu vực trước đó có con rắn bị mấy người trong xóm đuổi đập chết.
Rắn hổ mây “tìm vợ”?
Chuyện con rắn xuất hiện một cách khác thường ở khu vực Thiên Tuế trên núi Cấm đã làm dấy lên nhiều tin đồn chuyện con rắn giận dữ tìm đến “trả thù” những người giết hại rắn. Hiện tượng ly kỳ lại xuất hiện ở vùng núi vốn có quá nhiều giai thoại về rắn đã bị đồn thổi theo hướng huyền bí hóa.
Ông Tư Bền nói hiện tượng rắn đi tìm rắn xuất hiện bình thường trong tự nhiên, “loài vật cũng sống có nghĩa có tình”
Trở lại núi Cấm, nghe những tin đồn rắn ngang nhiên vào nhà dân mà không hề sợ sệt, ông Nguyễn Văn Bền (Tư Bền, 79 tuổi), một thầy thuốc rắn vùng Bảy Núi nổi tiếng đã cứu hàng trăm người bị rắn độc cắn nói rằng đó là hiện tượng có vẻ lạ, nhưng bình thường đối với những người hiểu biết về rắn. “Rắn là một trong những loài vật có linh tánh. Nhưng nó không bao giờ chủ động tấn công hay gây hấn với con người. Gặp con người, nó thường rất sợ, bỏ chạy thôi, trừ khi chúng thấy chúng ta đe dọa tấn công chúng. Một số loài như rắn hổ mây khi trưởng thành thường sống có cặp, có đôi. Khi mất 1 con thì con còn lại nhất định sẽ đánh hơi đi kiếm”, ông Tư Bền nói. Ông Tư Bền cho rằng con rắn xuất hiện ở khu vực nhà bà Thúy là vì nó đánh hơi được mùi con rắn bị giết trước đó và đi tìm.
Theo lời ông Tư Bền, chúng tôi trở lại nhà bà Thúy hỏi lại câu chuyện trước đó. Bà Thúy xác nhận trước đó có con rắn to, khoảng 4 ký, đang bò rất chậm trong đám bụi rậm trước nhà. Nhiều thanh niên, trong đó có ông Sang đã dùng cây dí đập chết con rắn rồi mang đi làm thịt. Bị giết là con rắn cái, trong bụng chứa đầy trứng. Có lẽ nó là “vợ” của con rắn đực xuất hiện và “quậy” ở nhà bà Thúy khi đánh hơi được mùi rắn lúc bà đang nấu.
Ông Tư Bền nói đã từng chữa trị cho không biết bao nhiêu người bị rắn cắn, ông cũng chứng kiến nhiều trường hợp khi một con rắn bị giết thịt, con rắn còn lại đã đánh hơi đi tìm. “Đặc biệt rắn hổ mây nó bảo vệ bạn tình, bảo vệ trứng rất kỹ. Bây giờ rừng rú ít, người đông, nên khi có chuyện gì chút xíu là người ta đồn lên cho lớn, nhưng ngày xưa cảnh này thiếu gì. Nhiều thợ săn kinh nghiệm bắt được 1 con rắn thường không làm thịt ngay mà đợi thế nào cũng còn 1 con khác tìm tới bắt luôn cho đủ cặp”. Vuốt bộ râu dài bạc phơ, lão lương y nói không có gì thần bí ở đây cả. Chúng ta vô tình không biết, ở rừng rú nhiều loài sống có nghĩa có tình lắm cháu.
|
(còn tiếp)
Tiến Trình
>> Kỳ bí nghĩa địa heo 5 móng ở Sóc Trăng
>> Kỳ bí ngôi làng 'bỗng dưng bốc cháy
>> Những câu chuyện kỳ bí ở Côn Đảo
Bình luận (0)