Ở chùa Thập Tháp (TX.An Nhơn, Bình Định) vẫn còn nguyên 3 cái giếng có từ thời vua Chế Mân (vương quốc Chăm pa), cả ba đều hình vuông, xây bằng đá ong tạo thành hình tam giác đều và mùa nào cũng đầy nước trong vắt.
Giếng cổ ở chùa Thập Tháp - Ảnh: Tâm Ngọc |
Giếng quý trong vườn Lãng Uyển
Bình Định - từng là nơi tọa lạc kinh đô Vijaya của vương quốc Chăm pa, hiện vẫn còn giữ lại được khá nhiều di sản vật thể của nền văn hóa này. Tại đây còn lưu giữ dấu vết của các thành cổ của Chăm pa như thành Cha, thành Hoàng Đế; 8 cụm tháp Chàm với 14 tháp, hàng chục phế tích tháp đã bị đổ; các vết tích lò nung gốm cổ Gò Sành của cư dân Chăm pa cổ; các vật điêu khắc bằng đá, đất nung… Ngoài ra, còn một loại hình di tích văn hóa vật thể độc đáo khác là các di tích giếng cổ.
Giếng Chăm pa cổ thường được xây dựng theo bình đồ hình vuông, được ghép gạch đất nung hoặc đá ong cắt gọt khối hình chữ nhật xung quanh bốn mặt của giếng. Một số giếng ở dưới đáy được lót bằng các khúc gỗ lớn. Có một số lý giải đã được đưa ra như: lót như vậy để tăng tính vững chắc của thành giếng hoặc có tác dụng lọc nước…
Về 3 cái giếng trong chùa Thập Tháp, sách Đồ Bàn thành ký của tác giả Nguyễn Văn Hiển cho biết: Xưa kia, khu vực đồi Long Bích này là khu vườn Lãng Uyển của các vua Chàm. Vì vậy mà 3 cái giếng được chùa sử dụng lấy nước từ xưa đến nay là di tích còn lại của vườn Lãng Uyển. Ba giếng được đào theo hình vuông, miệng giếng xây trệt sát đất chứ không có thành cao. Lòng giếng được xây bằng những viên đá ong lớn, giống như những viên đá được đào lên từ nền móng của những ngôi tháp Chàm sụp đổ.
Ngoài ra, hồ sen trước mặt chùa cũng hình vuông và thành hồ được xây bằng những viên đá ong lớn như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, khảo cổ đến chùa Thập Tháp tìm hiểu, đều nhất trí rằng hồ sen, 3 cái giếng là vết tích của vườn hoa Lãng Uyển là từ thời vua Chế Mân còn sót lại.
Tương truyền, vườn Lãng Uyển là nơi vua Chế Mân cùng hoàng hậu là Huyền Trân công chúa thưởng lãm cây cảnh, chim muông, hoa lá. Ba cái giếng trong vườn dùng để lấy nước tưới cây. Riêng cái giếng phía sau chùa được xây cao hơn hai cái còn lại ở phía trước. Giếng sau chùa nằm trên nền mặt bằng đá ong nên nước lúc nào cũng trong và ngọt hơn hẳn 2 giếng còn lại. Từ trên cao nhìn xuống, vị trí ba cái giếng nằm tạo thành hình tam giác đều.
Cọp trắng bên giếng vua
Theo đại đức Thích Viên Kiên (chùa Thập Tháp), vào nửa sau thế kỷ thứ 17, thiền sư Nguyên Thiều đến Bình Định, chấn tích tại khu đồi Long Bích và lập ngôi chùa đầu tiên để làm cơ sở truyền bá Phật pháp, đặt tên là chùa Thập Tháp Di Đà. Từ đó thiền tông thuộc phái Lâm Tế được tổ sư phát huy mạnh mẽ và truyền bá rộng rãi khắp cả xứ Đàng Trong. Sau lưng chùa, gần giếng của vua Chế Mân có tháp Bạch Hổ.
Tương truyền vào thời hòa thượng Thuật Kiến - Liễu Triệt, có một con cọp trắng ban đêm thường đến chùa nằm cạnh giếng nghe kinh mà không quấy phá gì. Rồi một đêm, hòa thượng nằm mộng thấy một ông già râu tóc trắng phơ xuất hiện thưa với hòa thượng rằng tuổi thọ của con đã mãn và vừa qua đời ở sau lưng chùa, xin nhờ hòa thượng và tăng chúng tụng kinh cầu siêu giúp con. Sáng hôm sau, mọi người thấy xác con cọp trắng nằm chết bên cạnh giếng bèn đem xác chôn ngay trên đồi Long Bích rồi xây một ngôi tháp nhỏ.
Đến nay, những cái giếng của vua Chế Mân để lại tại chùa Thập Tháp vẫn còn nguyên vẹn sau bao binh biến thời cuộc. Giếng được bảo dưỡng và cảo (làm vệ sinh) mỗi năm một lần. Theo các sư ở chùa, nhờ nguồn nước trong và ngọt này mà chùa không lo thiếu nước mỗi mùa hạn hán, dù hạn gay gắt tới đâu giếng vẫn có đủ nước cho nhà chùa dùng.
Nhiều công trình nghiên cứu về giếng Chăm cổ đã khẳng định rằng cư dân Chăm pa cổ là bậc thầy về chọn mạch nước ngầm để xây dựng giếng. Ngay cả những địa điểm khô cằn rất khó để xác định mạch nước ngầm nhưng họ vẫn xác định đúng địa điểm có mạch nước ngầm tốt nhất để xây dựng giếng.
Theo truyền thuyết người dân trong vùng kể lại, sau vua Chế Mân, vua Chế Bồng Nga (vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 Chiêm Thành) thấy người dân cực khổ khi phải gánh nước ở xa về nhà nên đã cho đào nhiều giếng tương tự như giếng của vua Chế Mân trên đồi Long Bích. Những cái giếng này giờ vẫn còn rải rác và được người dân coi như báu vật cha ông để lại vì nguồn nước trong, ngọt, mát lành.
|
Bình luận (0)