Kỳ bí giếng cổ - Kỳ 6: Giếng đá trong căn cứ địa quân Tây Sơn

14/11/2015 06:50 GMT+7

Đến thôn Xuân An, xã Cát Minh, H.Phù Cát (Bình Định), hỏi “giếng đá” không ai là không biết.

Đến thôn Xuân An, xã Cát Minh, H.Phù Cát (Bình Định), hỏi “giếng đá” không ai là không biết.

Giếng đá một thời lừng lẫy, là nơi nghĩa quân Tây Sơn đóng quân giờ đìu hiu, hoang phế - Ảnh: Tâm NgọcGiếng đá một thời lừng lẫy, là nơi nghĩa quân Tây Sơn đóng quân giờ đìu hiu, hoang phế - Ảnh: Tâm Ngọc
Với họ, cái giếng vuông từ thời Chăm pa để lại, rồi thời nghĩa quân Tây Sơn sử dụng và đến người dân tiếp nối là một mạch nguồn di sản quý báu.
Dấu tích của đội quân áo vải
Theo tài liệu Giếng vuông ở Bình Định của tác giả Nguyễn Văn Ngọc, giếng vuông còn được gọi là giếng Chàm (Chăm). Bởi nhìn từ miệng xuống dưới đáy là một khối vuông chứ không phải là hình tròn như mọi giếng ở nông thôn hiện đang sử dụng. Từ khi khai sinh lập nghiệp, người Việt đã thấy có giếng này, hơn nữa trước đây vùng đất này một thời trong lịch sử là của cư dân Chăm sinh sống, từ đó dân gian cho rằng giếng loại này là giếng Chàm.
Ở Bình Định, một trong các giếng vuông đặc biệt đã tìm thấy là giếng vuông ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, H.Phù Cát. Nói là đặc biệt vì giếng nằm thuộc khu vực di tích Gò Kho - nơi tích trữ lương thực của nghĩa quân Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Giếng này đã được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng. Giếng vuông ở Xuân An gắn liền với căn cứ địa nghĩa quân Tây Sơn được thành lập ở đây vào năm 1773.
Theo lời kể của những người dân địa phương, dù đây là khu vực ngay sát đầm nước mặn Đạm Thủy, nơi dân cư làm nghề muối, nhưng nước giếng chưa bao giờ bị nhiễm mặn. Ngược lại, khi các giếng khác trong vùng bị khô, nhiễm phèn, mặn thì vị nước giếng đá vẫn ngọt lừ và trong vắt. Bên dưới đáy giếng có đặt một phiến gỗ lớn, dày chừng 10 cm, ngang khoảng 60 cm, dài hơn 100 cm. Theo những người từng cảo (làm vệ sinh) giếng, không rõ miếng gỗ này làm bằng gỗ gì và có tác dụng cụ thể ra sao nhưng trải qua hàng trăm năm, gỗ vẫn không hề bị mục nát, hư hỏng. Khi giở tấm gỗ lên, dưới đáy giếng, những mạch nước phun mạnh lên trên thành vòi.
Chính tại nơi đây, nhờ cái giếng Chăm đặc biệt này, nghĩa quân Tây Sơn đã chọn làm nơi dừng chân lâu dài trong quá trình khởi nghĩa. Gần đó, vẫn còn các di tích như Vườn Cố (là nơi tạm giam lính vi phạm), Bàu Voi (để tắm voi của nghĩa quân Tây Sơn) và Gò Kho (nơi chứa hàng hóa, lương thực của nghĩa quân).
Chuyện tình bên giếng đá
Với hàng ngàn hộ dân quanh vùng Xuân An trước đây, đi gánh nước giếng không chỉ là một công việc thường ngày là lấy nước sinh hoạt. Quanh miệng giếng vuông từng được quân Tây Sơn sử dụng này, còn nảy nở những chuyện tình đẹp.
Bà Trịnh Thị Kim Kha (61 tuổi, ở thôn Xuân An) cười tủm tỉm khi kể lại duyên số của mình với người chồng là ông Đặng Xuân Thanh (62 tuổi): “Nhà tui ở ngay cạnh giếng. Hồi đó, tui thấy ổng đi gánh nước, mà ngày nào cũng gánh, có ngày gánh mấy bận. Sau này, hỏi ra thì ổng nói là để nhìn thấy tui thôi chứ nhà đầy nước rồi”.
Ông Trần Tám (85 tuổi, nhà ở tận thôn Thái Bình, xã Cát Tài, cách Xuân An chừng 10 km) móm mém kể lại câu chuyện của mình: “Hồi xưa, tui làm nghề đánh tranh (cắt cây tranh trên núi về làm lá lợp nhà) cho người dân ở khu này. Có bận đi ngang qua giếng lúc trưa nắng, thấy bả (vợ ông Tám bây giờ) đi gánh nước, tui ghé lại xin nước uống. Từ nhỏ đến lúc đó, tui chưa bao giờ uống được nước giếng nào mà ngọt mát như vậy. Uống mấy dạo như vậy thì thành vợ thành chồng. Có mấy ông bạn làm nghề đánh tranh như tui cũng tìm được vợ nhờ cái giếng này”.
Chị Trần Thị Tịnh (32 tuổi, ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, H.Phù Cát) cho biết cái hay của giếng đá là chưa bao giờ bị cạn nước, dù có nắng nóng, hạn hán cỡ nào. “Không chỉ thế, theo người dân ở đây, nước giếng đá còn là nguồn nước quý dành để nấu thứ rượu ngon hảo hạng không thua kém rượu ở làng Bàu Đá (TX.An Nhơn, Bình Định) là bao với hậu vị ngọt rất dễ uống”.
Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, khi nhà nhà đã có giếng đóng, giếng khoan thì giếng đá không còn được sử dụng như trước. Giếng đá bây giờ nằm lọt thỏm giữa những mấu đất, cỏ hoang, bên cạnh con đường bê tông mới làm. Mặt giếng phủ một lớp lưới rào chắn B 40 để người đi đường không bị lỡ chân rớt xuống. Bà Trịnh Thị Kim Kha tiếc rẻ: “Giá mà nó được người ta trùng tu, tôn tạo lại cho đẹp đẽ, khang trang chứ nhìn vầy cô quạnh, nghĩ mà thương lắm! Dù gì, nó cũng là di sản quý mà thời cha ông để lại”.
Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, nhiều giếng vuông hiện còn đang được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày ở các huyện. Để nỗ lực bảo tồn các giếng Chăm cổ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành khảo sát, chấm điểm tọa độ các giếng cổ trong tổng thể các di tích khảo cổ học khác trên địa bàn toàn tỉnh, để lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.