Kỳ bí giếng cổ - Kỳ 8: Giếng 'tắm vua' trên đảo Quan Lạn

17/11/2015 06:06 GMT+7

“Khi đi tóc mới ngang vai. Uống nước làng Liễu tóc dài quá lưng”. Đó là câu ca người dân nói về giếng cổ làng Liễu Mai, xã Quan Lạn, H.Vân Đồn, Quảng Ninh.

“Khi đi tóc mới ngang vai. Uống nước làng Liễu tóc dài quá lưng”. Đó là câu ca người dân nói về giếng cổ làng Liễu Mai, xã Quan Lạn, H.Vân Đồn, Quảng Ninh.

Giếng Chổi trên đảo Quan Lạn - Ảnh: Thúy HằngGiếng Chổi trên đảo Quan Lạn - Ảnh: Thúy Hằng
Gái Liễu Mai, trai Làng Vân
Đảo Quan Lạn hoang sơ, xinh đẹp với những bãi cát trắng tinh, trải dài cùng những hàng phi lao xanh ngút ngàn. Điện lưới quốc gia, những chuyến tàu cao tốc nối đất liền với đảo chỉ trong 90 phút không làm mất đi vẻ đẹp bình yên vốn có của hòn đảo này. Đặc biệt, nơi đây còn cất giữ bao câu chuyện kỳ bí, liêu trai về những báu vật của làng - trong đó có những giếng cổ hàng trăm năm tuổi.
Giếng làng Liễu Mai (còn gọi là giếng làng Liễu) nằm giữa một khoảnh đất trống của làng, xung quanh dân cư thưa vắng. Trước đây miệng giếng khá lớn, xung quanh là đá tảng, giờ miệng giếng thu hẹp lại, người dân dùng đá xanh xây thành từng bậc quanh miệng giếng để tiện múc nước về dùng.
“Gái Liễu Mai, trai làng Vân”, câu ca xưa ca ngợi con gái làng Liễu dong dỏng cao, tóc dài thướt tha, sắc sảo, đảm đang; trai làng Vân (thôn Thái Hòa) cao lớn, vạm vỡ, buôn bán làm ăn giỏi giang. Hai làng sát nhau. Trai tài, gái sắc, dựng nên Quan Lạn làm ăn thịnh vượng. Người ta bảo được như vậy là nhờ cả vào giếng làng Liễu. Giếng như mắt của làng, phong thủy tốt giúp dân làng làm ăn thuận lợi, còn trai gái làng khỏe mạnh, giỏi giang.
Không được phép lấp giếng
Trong khi làng Liễu chỉ có 1 giếng cổ, thì làng Vân có đến 4 giếng cổ, đến nay còn vẹn nguyên và đã được tôn tạo là: giếng Chổi, giếng Ruộng, giếng Đình, giếng Xóm Bấc. Cả 4 giếng không lúc nào hết nước. Người làng cho hay những cái giếng đều có từ ngày mở làng. Mỗi giếng được dân làng rất coi trọng, dù bao nhiêu năm trôi qua, có thể không còn dùng giếng nước đó đi chăng nữa cũng không bao giờ được phép lấp giếng, đó là việc làm khiến con cháu đời sau lụn bại.
Giếng Chổi nằm ngay trên đường dẫn từ bến tàu Quan Lạn vào sâu trong đảo. Một bên là cánh rừng ngập mặn với bãi sú, cách một con đường đất đỏ là đến giếng. Sân giếng được lát gạch, lòng giếng cũng được làm sạch hằng năm. Người làng kể ngày trước chưa làm đường lớn, nước biển dâng lên sát giếng. Thế mà kỳ lạ, nước giếng vẫn ngọt và tràn trề, đầy ăm ắp. Đi xa về gần, qua giếng Chổi, múc một gàu nước lên uống một hơi, rồi rửa mặt, thấy sảng khoái vô cùng.
Cụ Bùi Văn Vương, 75 tuổi, người dân thôn Thái Hòa, nhà ở gần giếng Chổi, giếng Ruộng từ lúc sinh ra, kể ngày trước không có máy bơm, trai gái trong làng phải tranh thủ sáng sớm hoặc khuya muộn để gánh nước, mang về chứa trong ang sành để dùng dần. Cũng theo lời cụ, vào ngày lễ hội làng Quan Lạn (diễn ra từ ngày 10 đến 20.6 âm lịch), những người có chức sắc trong làng sẽ múc nước từ một trong các giếng cổ trong làng để tắm tượng vua Lý Anh Tông và các vị thần được thờ trong đình làng Quan Lạn. “Nghi thức này được tiến hành cực kỳ trang trọng và được nối tiếp hàng trăm năm qua, không đổi”, cụ Vương nói.
Cách giếng Chổi chừng 500 m là giếng Ruộng, gọi tên như vậy vì nó nằm giữa một cánh đồng bao la. Trước đây bà con Quan Lạn trồng lúa, khoai, sắn nên đây cũng là nguồn cung cấp nước dồi dào cho các mùa trong năm. Bây giờ dân sống ở Quan Lạn đông hơn, nhiều ngôi nhà mọc lên, nhưng giếng Ruộng vẫn được nằm giữa một khoảnh đất rộng, bốn mùa rau xanh, đủ các loại hoa. Mặc dù là đảo nhưng ở Quan Lạn không khó đào được giếng khơi. Cứ đào khoảng 3 m là thấy nước ngọt. Bây giờ hầu như nhà nào cũng đào một giếng trong nhà để lấy nước sinh hoạt, thế nhưng giếng Chổi hay giếng Ruộng đều không ngớt người qua lại để lấy nước về dùng. Người ta còn xây gần giếng Ruộng một cái bể hàng chục mét khối để trữ nước. Máy bơm lắp trực tiếp vào trong giếng, bơm vào bể, từ đây bơm về các hộ gia đình trong làng.
Ông Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết việc bảo tồn và tôn tạo giếng cổ như một trọng trách của lãnh đạo xã và người dân trên đảo. Nơi đây ngày càng trở thành một hòn đảo du lịch đông khách, những giếng cổ cũng phải được bảo vệ như những vật báu.
Đảo Quan Lạn rất nổi tiếng với thương cảng Vân Đồn, thương cảng đầu tiên của VN có từ năm 1149. Trên đảo, ngoài quần thể di tích như đình, chùa, miếu tồn tại từ lâu đời còn có đình Quan Lạn, nơi thờ vua Lý Anh Tông (1136 - 1175) , người quyết định thành lập thương cảng Vân Đồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.